Trong khi chờ đợi các dự án đường vành đai hoàn thành, tỉnh Long An đã nỗ lực cải tạo, khai thông các tuyến đường kết nối với TP.HCM để tạo động lực phát triển kinh tế Vùng, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Liên quan đến nội dung này, PV VOVGT có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Long An.
PV: Thưa ông, Long An đang đối mặt với những áp lực về giao thông, đặc biệt tại các khu vực giao nhau với TP.HCM và các tỉnh lân cận như thế nào?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ N2, Quốc lộ 62 và các tuyến đường cao tốc đang chịu áp lực lớn từ lượng phương tiện ngày càng gia tăng. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các nút giao quan trọng, ảnh hưởng đến việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa.
Tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua Long An dài hơn 30km, điểm đầu là địa bàn huyện Bến Lức nối địa phận TP.HCM và điểm cuối là TP. Tân An nối với địa bàn tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, Long An là cửa ngõ khu vực ền Tây Nam Bộ nên lượng người và phương tiện lưu thông từ TP.HCM về các tỉnh ền Tây và ngược lại rất lớn, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, tết lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến.
Tuyến Quốc lộ 62 là tuyến huyết mạch nối Quốc lộ 1 từ trung tâm thành phố Tân An, tỉnh Long An về vùng Đồng Tháp Mười, tiếp giáp khu vực biên giới Campuchia. Tuy nhiên, qua 25 năm sử dụng, tuyến đường này đã xuống cấp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông đúc, mặt đường nhỏ hẹp với 2 làn xe chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều đoạn trên tuyến đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Nên vào các dịp lễ, tết, thường xuyên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Tuyến QL.N2 đoạn qua địa bàn tỉnh dài khoảng 74km, được đầu tư xây dựng với quy mô cấp IV, 2 làn xe. Tuyến này xuyên qua Long An nhưng đồng thời kết nối vào các tỉnh Đông Nam bộ. Hầu như công nhân làm việc tại các tỉnh Đông Nam bộ thường lưu thông trên tuyến này nên thường xuyên bị ùn tắc.
Sau thời gian dài đưa vào khai thác, sử dụng, hiện nay, tuyến đường này không còn đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều đoạn trên tuyến QL.N2 như đoạn qua địa bàn huyện Thạnh Hóa, đoạn chồng lấn với QL.62,... hư hỏng nặng, phần mặt đường bong tróc, lởm chởm đá xanh gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Với quy mô chỉ 2 làn xe, trong các dịp lễ, tết, tuyến đường này thường xuyên bị quá tải, ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
PV: Sở đã có những giải pháp nào để cải thiện tình hình giao thông trong thời gian qua? Hiệu quả của giải pháp này như thế nào?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Địa phương đã nỗ lực trong việc khai thông các tuyến đường kết nối các khu cụm công nghiệp. Cụ thể trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đầu tư một tuyến đường xuyên suốt qua các huyện như Đức Hoà, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc để về tới Cảng quốc tế Long An. Đây là giải pháp nhằm giải toả những hàng hoá trong các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, cũng đang quy hoạch và đề xuất với Chính phủ sẽ mở rộng các tuyến đường song song với QL1 như QL 50B (kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM). Trong năm 2025, sẽ khởi công những đoạn tuyến trên QL 50B để bước đầu giảm ùn tắc.
Sở GTVT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ sớm xem xét bố trí nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ N2, Quốc lộ 62 đoạn qua điạ bàn tỉnh để đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đầu tư mở rộng ngã 5 Long Kim hoặc đầu tư xây dựng cầu vượt nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.
Trước mắt, tuyến Quốc lộ 62 Sở GTVT tranh thủ nguồn vốn từ Cục Đường bộ bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên từ Quỹ Bảo trì đường bộ để duy tu, sửa chữa các đoạn hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài sự đầu tư của Chính phủ, tỉnh cũng mong muốn quy hoạch một tuyến đường song song Quốc lộ 62 để phát triển khu kinh tế cửa khẩu.
PV: Trong khi chờ các dự án đường vành đai, việc phân luồng, tổ chức giao thông đã được thực hiện ra sao?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Để chuẩn bị cho thông xe đường Vành đai 3, tỉnh có chủ trương mở rộng các tuyến đường nội tỉnh để đảm bảo khai thông kết nối với các tuyến đường quốc gia. Hiện tại, việc phân luồng và tổ chức giao thông trên các tuyến đường hiện hữu trong khi chờ các dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM được thực hiện một cách chặt chẽ.
Ngoài ra đối với tuyến thường xuyên bị ùn tắc giao thông, hay các tuyến thường có các vụ tai nạn giao thông thì các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp như lắp đặt biển báo, chỉ dẫn giao thông, điều tiết lưu lượng xe để giảm thiểu ùn tắc. Còn các dự án đường Vành đai 3 và vành đai 4 TPHCM là các tuyến đường được xây dựng mới nên không ảnh hưởng đến việc ùn tắc trong quá trình triển khai thi công.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa Long An và các địa phương khác như TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai cũng được chú trọng và phối hợp chặt chẽ. Các cuộc họp định kỳ giữa các lãnh đạo địa phương nhằm thống nhất phương án đảm bảo các dự án được triển khi nhanh, chất lượng nhất.
Tới đây, khi cao tốc Bến Lức - Long Thành thông xe, áp lực tại nút giao Bến Lức rất lớn. Tại Bến Lức đang quy hoạch một trạm dừng ngay tại nút giao này. Đây không chỉ là trạm dừng đơn thuần mà còn kết hợp với thương mại và dịch vụ. Tôi hy vọng, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án này.
PV: Các kế hoạch nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc hiện đang được triển khai đến đâu?
Ông Đặng Hoàng Tuấn: Long An có cái khó trong phát triển giao thông công cộng. Hiện chỉ có một vài tuyến xe buýt đi vào TP.HCM, tập trung ở nhóm người dân có thu nhập thấp. Để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thì phải nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt này.
Sở Giao thông Vận tải cũng đã trình UBND tỉnh ban hành đề án phát triển vận tải hành khách công cộng nhưng còn nhiều thách thức do tập quán của các đơn vị hợp tác xã vận tải. Chủ xe vẫn còn suy nghĩ luồng tuyến là của họ. Chúng tôi cũng đang tích cực tuyên truyền và có lộ trình cho các hợp tác xã để nâng cao chất lượng phương tiện.
Cần phải có sự phối hợp đồng hành giữa Long An và TP.HCM để làm sao vận tải hành khách công cộng đủ sức thuyết phục người dân thì mới góp phần giảm áp lực giao thông.
PV: Xin cảm ơn ông!