Tại thành phố Cần Thơ, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông có nhiều chuyển biến, nhất là các hành vi vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè, đi ngược chiều đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, một số nơi trên địa bàn thành phố, tại một số nút giao, ngã ba, ngã tư, đèn tín hiệu giao thông đôi lúc rơi vào trạng thái “chập chờn”, đèn bị lỗi khiến người điều khiển phương tiện lúng túng “tiến thoái lưỡng nan”, vô tình gây ra nhiều áp lực giao thông trong giờ cao điểm.
Có lộ trình đi từ Hậu Giang về TP. Cần Thơ qua QL61C, đến nút giao cầu Ba Láng với QL1A, thuộc địa phận phường Ba Láng, quận Cái Răng, anh Lê Thanh Hùng cứ phập phồng. Phải đợi phía đối diện bên kia đường, dòng xe dừng lại hẳn thì anh mới cho xe chạy hoặc anh phải chạy thật chậm dù đang là đèn xanh:
“Phải có báo hiệu số, ví dụ từ 1 đến 30 hoặc từ 30 trở về 01. Người ta đi đến đèn xanh mà không thấy báo hiệu còn bao nhiêu giây, vô tình vừa chạy qua khỏi đèn xanh thì đèn vàng bật lên”.
Trưa ngày 8/1, tại cụm đèn giao thông ở nút giao Đại lộ Hòa Bình – Đề Thám (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), tín hiệu đèn vàng nhấp nháy khoảng 30 phút khiến cho nơi đây bị ùn tắc vì nhiều tài xế xe ô tô không dám đi. Việc cụm đèn tín hiệu giao thông tại đây ở chế độ nhấp nháy là có chủ đích tạo điều kiện để các đơn vị thi công đường hoa nghệ thuật, đồng thời người tham gia giao thông qua đoạn này cần chú ý quan sát và di chuyển với tốc độ chậm. Thế nhưng chẳng ai dám chạy, cho tới khi địa phương tắt hẳn cụm đèn. Tài xế Từ Văn Hải vừa đậu xe đợi đèn vừa nói:
“Kẹt xe thì chịu thôi, tôi thấy nhiều xe không chạy, tôi cũng không chạy”.
Một số nút giao trong trung tâm thành phố hiện nay vẫn còn tình trạng đôi lúc lại hoạt động chập chờn, như: Trần Hoàng Na – 3 Tháng 2, Nguyễn Văn Linh – 30 Tháng 4, Nguyễn Việt Dũng – Cách Mạng Tháng 8, Lê Hồng Phong – Huỳnh Phan Hộ… người tham gia giao thông e ngại mình bị dính lỗi oan bởi những trụ đèn này.
"Làm sao để có đèn tín hiệu có hiển thị số giây để chúng tôi chạy, nếu chuyển đột ngột từ xanh qua đỏ, chúng tôi thắng gấp là đằng sau ủi tới."
"Mình không dám chạy vì sợ camera phạt nguội."
"Người dân chấp hành tốt, tuy nhiên tình trạng đèn tín hiệu chập chờn khiến người ta không dám chạy, gây ùn tắc. Nên theo tôi là phải có lực lượng phân luồng."
Nghị định 168/2024 quy định về mức phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm giấy phép lái xe đi vào cuộc sống đã làm thay đổi rõ rệt ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân. 14 ngày qua, ghi nhận hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều của người điều khiển phương tiện giảm rõ rệt, người dân dừng xe ngay ngắn ngay trước vạch dừng tại các nút giao thông khi đèn đỏ.
Cùng với tăng nặng mức phạt, sự ra quân của lực lượng CSGT ngay từ ngày đầu Nghị định 168/2024 có hiệu lực cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm “không có vùng cấm” cũng tạo được sức lan tỏa trong việc chấp hành quy định giao thông của người dân. Tuy nhiên, người dân vẫn trăn trở về bất cập của hạ tầng, tổ chức giao thông có thể khiến người điều khiển phương tiện dễ gặp lúng túng trong quá trình di chuyển. Thượng tá Nguyễn Duy Khang – Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Cần Thơ cho biết:
“Hệ thống đèn giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ có một số điểm đã được đầu tư rất lâu, dẫn đến không hiển thị số giây và chập chờn. Việc này cũng gây nhiều khó khăn. Vấn đề này chúng tôi tiếp tục tham mưu với Ban Giám đốc để có biện pháp khắc phục giúp người dân tham gia giao thông đúng quy định”.
Kể từ khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực với mức phạt cao cho hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, một số người tham gia giao thông quan ngại khi thấy đèn chớp vàng, không dám lưu thông qua. Về vấn đề này, ông Mai Minh Ngoan – Chánh văn phòng Ban ATGT TP. Cần Thơ khẳng định, đèn tín hiệu giao thông loại màu vàng và hệ thống đèn ba màu khi bật và duy trì ở chế độ màu vàng là nhằm mục đích cảnh báo giao thông. Các quy định này đã được thể hiện rất rõ trong các văn bản pháp luật.
Liên quan đến các kiến nghị của người dân về các trụ đèn tín hiệu “chập chờn”, xuống cấp hoặc bị lỗi kỹ thuật, bố trí chưa hợp lý, ông Ngoan cho biết sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị của thành phố khảo sát, nâng cấp, sửa chữa kịp thời, giúp người dân thành phố tham gia giao thông an toàn, thuận tiện và đúng luật.