Điều này đang gây bức xúc cho khách gửi xe, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, đồng thời thất thoát lớn cho ngân sách.
Chiều tối ngày 19/8 vừa qua, chạy lòng vòng xung quanh hồ Hoàn Kiếm, anh Nguyễn Duy Phương mới tìm được một chỗ trông giữ xe máy trên phố Bảo Khánh. Anh Phương khá bất ngờ với cách thức thu phí theo giờ ở Việt Nam, khác hẳn với hình thức trông giữ xe theo ngày ở Đài Loan- nơi anh đang học tập, sinh sống:
"Tôi gửi xe ở khu vực Bảo Khánh, mức phí họ thu từ 5h-9 h tối là 20.000 đồng. Khi gửi họ chỉ đưa vé và không có một mức giá trên vé. Chút nữa tôi ra không biết họ có thu thêm hay không thì tôi không biết", anh Phương cho biết.
Dắt theo 2 bạn nhỏ đi ra từ một điểm trông giữ xe có biển trên phố Nguyễn Xí, chị Loan ở quận Thanh Xuân được một phụ nữ mặc đồng phục áo trắng, quần ghi xám dặn với theo phải lấy xe trước 10 giờ đêm.
Với số tiền phải trả là 20.000 đồng cho hơn 3 tiếng gửi xe, chị Loan chia sẻ: "Vé giấy không có ghi mệnh giá. Tất nhiên là cao rồi, bình thường nhà nước quy định ngày thu 3.000, đêm thu 5.000 nhưng họ thu lên gấp 4 lần nhưng do nhu cầu của mình. Mình cần mình phải trả thôi".
Theo khảo sát của phóng viên, xung quanh phố đi bộ Hồ Gươm có rất nhiều điểm trong giữ xe trên phố Nguyễn Xí, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền…được cấp phép lẫn tự phát. Nếu gửi xe và lấy xe trước 5 giờ chiều, mức giá phổ biến 10 nghìn đồng/xe, vào các buổi tối cuối tuần, mức giá dao động từ 10 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/xe. Trong đó, có không ít điểm trông giữ xe hình thành ngay trên vỉa hè, lấn chiếm toàn bộ không gian đi lại của người đi bộ.
Anh Đức Huy phản ánh: "Của nhà dân người ta mở ra, xong lấn chiếm vỉa hè, bắt đầu người ta giữ xe. Cái này chắc là cũng có nhưng mà họ đã làm việc với cơ quan, với Nhà nước rồi thì người ta cho để xe ở đây mới để được chứ".
Tình trạng “loạn”giá trông giữ xe ở khu vực này cũng xảy ra tương tự đối với ô tô. Trong vai một người đang tìm chỗ gửi xe, phóng viên nhận được lời chào mời với mức giá khác nhau trên cùng một tuyến phố Hai Bà Trưng (hướng từ Quán sứ đi Nhà hát lớn) dù khu vực này không hề có biển được phép trông giữ ô tô:
"Trông đến 7h30, 100.000 đồng. Ở đây trông cả một dọc dài chứ có phải mình xe chị đâu mà chị lo".
"3 tiếng 100.000 đồng, 4 tiếng cũng 100.000 đồng. Chị để ở đây thoải mái mà, bắt bọn em chịu. Không bị cẩu đâu, chị yên tâm".
Theo Quyết định số 44/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) tại địa bàn các quận, các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, vào ban ngày là 3.000 đồng/lượt, đêm là 5.000 đồng/lượt. Mức giá dịch vụ trông giữ ô tô trên các tuyến phố Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Phủ Doãn, Quán Sứ… 30 nghìn đồng/lượt/ 1 giờ. Tuy nhiên, mức giá thực tế mà người dân phải trả cao hơn rất nhiều, thậm chí cao gấp 4-6 lần.
Chị Kim Hồng, ở quận Hai Bà Trưng bày tỏ lo ngại: "Đa số thu 10.000 ban ngày, còn buổi tối thu 20.000, có những chỗ người ta lấy 30.000 khu vực Hai Bà Trưng. Đấy là người ta tự thu. Không phải riêng mình, mà cộng đồng người ta thu rất lớn. Phố đi bộ rất đông. Nhà nước nên quản lý".
Thống kê của Ban quản lý phố cổ, có khoảng 40.000 lượt khách đến tham quan phố đi bộ trong 3 ngày đầu mở cửa lại vào đầu tháng 3.
Trung bình có khoảng 10.000 lượt khách đến phố đi bộ vào ngày cuối tuần, thành phố Hà Nội cần có những biện pháp quản lý, không để tình trạng “loạn” giá trông giữ xe ở khu vực này, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến người dân./.