Lộ trình tính thuế rượu bia 100% vào năm 2030 có hợp lý?

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 20 độ trở lên và bia ở mức 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030...

 

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu từ 20 độ trở lên và bia ở mức 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào năm 2030; với rượu dưới 20 độ, bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026, sau đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2030.

Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng tỷ trọng thuế rượu, bia lên 40% giá bán lẻ, từ mức 30% như hiện nay. Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia tăng thêm đồng loạt 15% từ năm 2026, kéo theo giá bán các mặt hàng dự kiến tăng 20% so với năm trước đó...

Nhiều ý kiến đề xuất chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia và cần có lộ trình. Hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định sắc thuế này đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65% áp dụng từ năm 2018 đến nay.

Ảnh nh họa: thuongtruong.com

Ông Nguyễn Hoàng Giang – Tổng giám đốc Satraco, thành viên Ban điều hành Tổng công ty CP bia rượu NGK Sài Gòn cho rằng doanh nghiệp đang gánh chịu cùng lúc nhiều loại thuế, chi phí. Các loại này sẽ gia tăng gánh nặng tài chính, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn để phục hồi sau dịch: "Chúng ta nên tiếp tục duy trì chính sách thuế và phương pháp tính thuế tương đối bởi phương pháp tính thuế này đang có hiệu quả trong việc điều tiết được thuế liên quan tới thay đổi giá cả".

Các chuyên gia cho rằng, việc thiết kế chính sách thuế cần những giải pháp hài hoà để giúp tăng thu ngân sách, đồng thời vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp trong nước phục hồi phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam chia sẻ: "Nếu chúng ta tiếp tục tăng thuế TTĐB thì khó tiếp cận được với thị trường chính thức. Thế thì buộc người ta phải vào thị trường phi chính thức là rượu tự nấu, bia cỏ… thì ở những lĩnh vực đấy rất nhiều rủi ro"

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia là một việc làm cấp thiết. Thực tế, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất tăng cách đây gần chục năm nhưng các doanh nghiệp rượu bia xin tạm hoãn vì lý do khó khăn. Do đó, thuế với mặt hàng này những năm qua không hề thay đổi.

Thêm nữa, ông cho biết theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới thì việc tăng thuế phải tạo ra sự tăng giá một cách rõ rệt so với trước đó thì mới có tác dụng làm giảm thiểu tiêu thụ rượu bia: "Chính vì việc chúng ta tăng mức tăng khá cao từ nay tới 2026, và từ 2026 đến 2030 nó là mục tiêu để tạo ra sự khác biệt của rượu bia hiện tại với giá rượu bia trong tương lai. Từ đó làm cho người tiêu thụ giảm tiêu thụ 1 cách rõ rệt. Trong thực tế cũng có thể nói thuế rượu bia của chúng ta hiện nay đang rất thấp so với thuế rượu bia của các quốc gia phát triển và cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ngay cả so với Singapore và Thái Lan, Indonesia. Vì vậy mức tăng chưa bằng so với các quốc gia xung quanh nhưng nó lại có 1 tác động là làm cho mức tiêu thụ rượu bia có thể giảm đi một cách rõ rệt"

Về dài hạn, Việt Nam nên dần theo thông lệ quốc tế, chuyển từ thuế tương đối sang thuế hỗn hợp, sau đó chuyển sang thuế tuyệt đối, song cần cân nhắc thời điểm thay đổi thuế suất và phương pháp tính thuế khi thị trường còn nhiều khó khăn. Ông Phạm Tuấn Khải – Nguyên vụ trưởng vụ Pháp luật, Văn phòng chính phủ nêu ý kiến: "Chúng ta cần có đánh giá tác động kĩ hơn về mặt xã hội, kể cả đánh giá tác động của các quy phạm hiện hành đang tồn tại. Ví dụ như chúng ta đang đánh thuế TTĐB là 65% thì trong thời gian qua chúng ta làm đc gì, lợi đến đâu hại đến đâu. Phản ứng từ các doanh nghiệp sản xuất thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào"

Các chuyên gia đều đồng tình với việc tăng thuế tiêu thu đặc biệt với rượu bia. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm thời gian nghiên cứu đánh giá tác động đầy đủ hơn nữa, cũng như cơ quan thuế có thêm thời gian chuẩn bị năng lực để đảm bảo thu thuế công bằng hơn để khi chính sách đi vào đời sống vẫn đảm bảo được mục tiêu của nhà quản lý là giảm tiêu dùng rượu bia và tránh tạo cú “shock” thuế với ngành bia rượu./.