Liệu Metro có thể cải thiện giao thông ở đô thị ùn tắc nhất thế giới?

Metro, tàu điện hay ở Việt Nam chúng ta gọi là đường sắt đô thị là phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở các nước phát triển. Metro đem lại nhiều lợi ích cho đô thị như giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhất là với các đô thị đang phải đau đầu với 2 vấn đề này.

Ngày 28/12 vừa qua, thủ đô Dhaka (Bangladesh) đã khai trương tuyến Metro đầu tiên của quốc gia này. Tuyến đường sắt mang tên Line 6 có chiều dài 20km, bao gồm 16 ga tàu, kết nối vùng phía bắc của thủ đô Dhaka với các văn phòng Chính phủ, bệnh viện trong thành phố.

Trong tương lai, dự kiến dự án sẽ được mở rộng, cắt xuyên qua thành phố tới trung tâm tài chính nằm ở phía nam. Ước tính khi đó, tuyến metro sẽ phục vụ khoảng 60 nghìn lượt khách mỗi ngày.

Tuyến Metro đầu tiên của Bangladesh đã chính thức hoạt động từ ngày 28/12 vừa qua. Ảnh: Mahmud Hossain Opu

Trong ngày khai trương, đã có rất nhiều người dân thành phố có mặt từ sớm để mua vé và trải nghiệm tuyến metro. Narsin, một người dân chia sẻ: “Tôi cùng nhiều người đã có mặt tại ga tàu từ 7 giờ sáng để xếp hàng mua vé. Cuối cùng tôi cũng có cơ hội để trải nghiệm tàu điện. Đi tàu điện thực sự tiện lợi và nhanh hơn các phương tiện khác”.

Là thủ đô của Bangladesh, Dhaka đồng thời là thành phố lớn nhất của quốc gia này với tổng diện tích hơn 300 km vuông và dân số hơn 20 triệu người. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Dhaka là một trong những đô thị có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới bởi cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển dân số.

Hiện tốc độ lái xe trung bình tại thành phố này là khoảng 7 km/h, tụt xuống từ 21 km/h cách đây 10 năm. Nếu tình hình không được cải thiện, Ngân hàng thế giới dự báo tốc độ lái xe trung bình tại Dhaka trong tương lai có thể giảm xuống chỉ còn 4 km/h, tức là chậm hơn cả đi bộ.

Một tài xế taxi tại Dhaka chia sẻ về tình trạng giao thông tại Dhaka: “Xe buýt, taxi, tất cả đều vi phạm luật giao thông. Nhưng những chiếc xe kéo ba bánh mới là vấn đề chính. Họ hoàn toàn không tuân theo luật giao thông, tôi không bao giờ có thể đoán được họ di chuyển như thế nào. Họ mặc kệ các phương tiện khác và đi theo ý muốn của riêng mình.”

Vì lẽ đó, tình trạng TNGT tại thủ đô Dhaka cũng nghiêm trọng không kém khi ước tính mỗi năm tại thành phố này có khoảng 3 nghìn người tử vong vì TNGT. Năm 2019, Dhaka đã cấm xe kéo ba bánh trên các trục đường chính của thành phố, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Do đó, việc khai trương tuyến Metro Line 6 có ý nghĩa rất lớn với thành phố. Ông Martin Rama, cố vấn của Ngân hàng thế giới chia sẻ: “Nếu bạn nhìn vào như trường hợp của Ấn Độ, metro đã thay đổi cách mọi người dân đi lại. Đó là phương tiện giao thông an toàn, đặc biệt đối với phụ nữ.”. Được biết, tuyến Metro tại Dhaka cung cấp một số toa tàu dành riêng cho phụ nữ để tránh tình trạng lạm dụng, quấy rối.

Tuy nhiên, ông Rama cũng cho rằng, với chỉ một tuyến Metro, vấn đề ùn tắc tại Dhaka sẽ chưa thể được giải quyết. Theo ông, mỗi khi một quốc gia hay một thành phố xây dựng thêm hạ tầng giao thông, tăng thêm công suất, 90-95% diện tích đường được giải phóng sẽ bị chiếm dụng bởi lưu lượng giao thông bổ sung. Do đó, cần thêm những giải pháp đồng bộ mới có thể giải quyết vấn nạn ùn tắc.

Đồng tình với quan điểm này, ông Gary Hack, giáo sư chuyên ngành thiết kế đô thị của Đại học Pennsylvania, Mỹ chia sẻ: “Đối với Dhaka, các giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ. Bởi không có một giải pháp độc lập nào có thể giải quyết các vấn đề hiện tại, cũng như hoạch định cho giao thông trong tương lai của thành phố”.   

Dhaka là một trong những thành phố có tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhất. Ảnh: AP

Được biết, tắc nghẽn giao thông tại Dhaka gây lãng phí khoảng 3,2 triệu giờ làm việc mỗi ngày, gây thiệt hại cho nền kinh tế Bangladesh hàng tỷ đôla mỗi năm. Theo Tổ chức Econost Intelligence Unit, tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo kinh tế và kinh doanh hàng đầu thế giới, Dhaka là thành phố kém đáng sống thứ bảy trên danh sách 172 thành phố tính theo Chỉ số khả năng sống toàn cầu năm 2022.

Kế hoạch xây dựng hệ thống metro cho thủ đô Dhaka được Ngân hàng Thế giới chuẩn bị từ năm 2005. Năm 2016 thì Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) điều chỉnh thiết kế ban đầu và đến tháng 6/2016 thì thi công. Tổng chi phí dự án là 3,3 tỷ USD, đội vốn 500 triệu USD so với dự toán ban đầu.

Hiện Nhật Bản cũng đang tài trợ 2 dự án đường sắt đô thị khác tại Dhaka. Theo JICA, dự kiến khi hoàn thành, 3 tuyến metro sẽ vận chuyển khoảng 2 triệu hành khách mỗi ngày.

Vào hồi tháng 6 vừa qua, thủ đô Dhaka cũng vừa khai trương Hasina, cây cầu dài nhất quốc gia này, bắc qua sông Padma, kết nối khoảng 80 triệu người dân 2 vùng tây nam và đông bắc.

Trở lại với Việt Nam, ngày 21/12 vừa qua, một số hành khách đã có cơ hội được trải nghiệm tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong lần đầu chạy thử. Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, khởi công cách đây 10 năm, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, từ vốn vay ODA Nhật Bản và đối ứng trong nước. Tuyến dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), với ba ga ngầm, 11 ga trên cao. Toàn dự án hiện đạt hơn 93% khối lượng, sẽ hoàn thành cuối năm tới.

Nếu so với dự án Metro tại Dhaka, tuyến Metro số 1 Sài Gòn chậm hơn rất nhiều khi được điều chỉnh nhiều lần vào các năm 2008, 2011, 2019, 2021. Vào tháng 10 vừa qua, UBND TP HCM tiếp tục đề nghị lùi thời gian hoàn thành Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đến cuối quý IV/2023, kết thúc dự án từ năm 2024 đến hết 2028.