'Em tham gia chương trình từ khi xây dựng sân chơi đầu tiên đến nay. Nhiệm vụ của em là đội trưởng đội sơn, pha chế sơn lốp. Lốp xe ở thành phố qua sử dụng bỏ đi rất nhiều nên khi bọn em lấy lốp làm sân chơi giúp giảm thiểu rác thải.
Khi tham gia chương trình cái bọn em cho đi ít hơn nhận lại. Em làm ngành IT khá khô khan khi tham gia nhìn nụ cười của các bạn nhỏ khi chơi đã thấy vui rồi' - Lương Thị Tuyết đã cùng các thành viên khác của dự án “Lăn bánh ước mơ” bắt đầu xây dựng sân chơi đầu tiên cho các em học sinh ở bản Mù, tỉnh Yên Bái.
Sau 5 năm, 17 sân chơi từ vật liệu tái chế được nhóm mang tới các tỉnh vùng sâu, vùng xa khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Nhóm tiền trạm của “Lăn bánh ước mơ” khảo sát khu vực, điểm trường thiếu môi trường vui chơi cho trẻ và cùng địa phương chuẩn bị mặt bằng. Từ nguồn kinh phí cộng đồng đóng góp, “Lăn bánh ước mơ” tận dụng vật liệu lốp giá rẻ, thiết kế mô đun trò chơi phù hợp lứa tuổi tại Hà Nội, sau đó vận chuyển lên lắp đặt tại các điểm trường. Nhóm thiết kế tạo ra mô hình lốp xe voi, bập bênh, cầu trượt, xích đu… từ vật liệu lốp phù hợp với độ tuổi của các em nhỏ.
Anh Lê Hoài Nam, sáng lập, chủ nhiệm dự án cho biết: 'Vật liệu lốp ở sân chơi phù hợp để làm đồ chơi vì có tính đàn hồi và bền nếu để ngoài trời. Cái lốp xe nếu sử dụng vật liệu mới phải khai thác mới còn lốp xe cũ là tái sử dụng vật dụng bỏ đi thì thêm vòng đời cho nó. Sau 2-3 năm nếu lốp xấu đi rồi, mủn thì có thể làm bồn hoa, chậu cây'.
Các thành viên của “Lăn bánh ước mơ” đang tận dụng thời gian rảnh sau ngày làm việc để thiết kế sân chơi, mang đến niềm vui cho các bạn nhỏ. Sắp tới, nhóm dự định nghiên cứu đồ chơi tinh gọn từ vật liệu tái chế dễ vận chuyển hơn để lắp đặt tại điểm trường khó khăn.
Nhóm mong muốn xây dựng sân chơi trong công viên xanh tại Hà Nội nếu có sự giúp sức của chính quyền địa phương.