Làm nông thời chuyển đổi số (Bài 1): Trên những cánh đồng bay

Theo định hướng của Bộ NN&PTNT, nông nghiệp Việt Nam mà dẫn đầu là ĐBSCL cần phải thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Những thửa đất manh mún cần “hợp lực” thành cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị sản phẩm...

Một chiều đầu tháng 7 mưa sa, anh nông dân Nguyễn Phước Hưng dẫn chúng tôi đi thăm đồng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười bằng xe ô tô 4 bánh trên đường quê thẳng tắp. Vụ lúa Thu Đông đang trong giai đoạn đẻ nhánh, lá mướt như lụa, cánh đồng mượt như nhung, anh Hưng ví von đây là cánh đồng hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Đã 10 năm nay, anh Hưng và bà con trong HTX Mỹ Đông 2 làm ruộng nhưng chẳng khi nào chân lấm tay bùn, mà thay vào đó tận dụng tối đa thiết bị thông nh.

Anh Nguyễn Phước Hưng – ngụ xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp hồ hỡi cho biết: “Mình có mô hình cảm biến sâu rầy, mình vào app cảm biến sẽ xem được sâu rầy về bao nhiêu con, con sâu nó lớn tầm nào…để chuẩn bị đối phó với nó. Phun thuốc thì dùng công nghệ drone, xạ lúa thì vô cụm, cấy thì sử dụng máy cấy, cày sử dụng máy cày. Nói chung hiện giờ mình sử dụng chân tay rất ít”.

HTX Mỹ Đông 2 được thành lập năm 2014 với 108 xã viên, canh tác trên diện tích 500 hecta đất lúa, vận hành theo hướng hiện đại, 90% đất canh tác được xây dựng mã vùng trồng và liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ đầu tư đường nội đồng, hệ thống thủy lợi, trạm bơm nước biến tần… với tổng kinh phí 36 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập, HTX Mỹ Đông 2 đã hợp tác với một công ty công nghệ ở Trà Vinh, trang bị các thiết bị quan trắc, theo dõi tình trạng phát triển của lúa, chế độ nước, côn trùng, sâu bệnh… trên toàn bộ diện tích.

Nhờ có máy móc tính toán nên chi phí đầu vào của bà con giảm được khoảng 30% mà sản lượng lúa vẫn đạt cao, canh tác vừa khỏe vừa hiệu quả. Mỗi hecta ruộng, giờ đây, nông dân lãi thêm 10 - 15 triệu đồng/năm so với trước. 

Ông Hồ Văn Mười – Phó Giám đốc HTX Mỹ Đông 2, Tháp Mười cho biết: “Khâu làm đất, cày ải thì đã đưa máy móc, cơ giới hóa vào 100% hết. Cũng không còn phun thuốc kiểu gặt tay như ngày xưa vì làm như vậy ảnh hưởng đến cơ thể người phun thuốc lắm, hiện nay đã có máy bay không người lái. Đến lúa chín sẽ có một tổ đưa máy móc đến gặt cho mình vài ba bữa là xong. Nhiệm vụ của nông dân chỉ có việc mang bao ra cho họ, họ chở lúa về rồi mình ghi chép số lượng và lấy tiền thôi”.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” mà Tháp Mười là địa phương được chọn làm nơi thí điểm mô hình “cánh đồng lý tưởng”.

Sau Đồng Tháp có An Giang chọn thí điểm tại Thoại Sơn, Sóc Trăng chọn thí điểm tại huyện Châu Thành. Tại những nơi thí điểm, nhiều HTX được thành lập để tập hợp nông dân và cánh đồng lớn cùng sản xuất lúa theo công nghệ 4.0 – một hình thức canh tác lúa an toàn, hiện đại, đưa cơ giới hóa thay thế sức người và có liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Sản xuất lúa theo mô hình lúa thông nh, nông dân có lãi thêm từ 2-5 triệu đồng/hecta.

Phương pháp canh tác của HTX được bố trí cơ bản giống nhau, như: 100% diện tích trồng lúa của HTX được cơ giới hóa, ít nhất 80% diện tích gieo sạ sử dụng máy cấy, tiết kiệm chi phí sản xuất 400 đồng/kg lúa, tiết kiệm 30% chi phí sản xuất/hecta/vụ. Nông dân phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái giúp giảm lượng thuốc từ 20%-30% so với phun bằng tay.

Trung bình mỗi ngày máy có thể phun được từ 30 - 40 hecta, tương đương khoảng 20 nhân công lao động, giúp tiết kiệm chi phí khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/hecta. Ngoài ra, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và giải được bài toán thiếu nhân công lao động, góp phần bảo vệ sức khoẻ và bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Hoàng Thái - thành viên của HTX Thắng Lợi, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết: “Ban đầu gia đình cũng chỉ thí nghiệm trên diện tích 1,2 hecta, sau khi thấy hiệu quả mới sử dụng trên toàn bộ diện tích gieo trồng. Có sự trợ giúp của máy móc hiện đại, nông dân ít cực hơn trong khi HTX lại liên kết ổn định với Công ty cây trồng ền Nam, ngày giờ gieo trồng, thu hoạch đã được tính toán sẵn, tiền công lại được thanh toán qua tài khoản”.

Số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2011-2021, số lượng và chủng loại thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng rất nhanh. Cụ thể, máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80% và máy phun thuốc BVTV tăng 3 lần.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa

Tại vùng ĐBSCL, cơ giới hóa hiện nay đã bao trùm lên các khâu từ làm đất, bón phân, tưới tiêu, thu hoạch và cả công nghệ sau thu hoạch. Tại một số địa phương sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Hậu Giang… đều đã hình thành được các tổ, nhóm dịch vụ cộng đồng chuyên cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa cho bà con nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ: “Chúng tôi đề xuất với Chính phủ hình thành Trung tâm cơ giới hóa tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Trung tâm này không phải cơ quan quản lý nhà nước mà là Trung tâm liên kết giữa các doanh nghiệp cùng tham gia cơ giới hóa từ các khâu: Trang thiết bị, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp… để hỗ trợ cho các HTX và nông dân.

Trong chuỗi này có cả doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, bản thân doanh nghiệp tiêu thụ họ rất muốn tham gia chuỗi này. Hình thành Trung tâm cơ giới hóa đồng bộ, từ làm đất đến gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đưa ra thị trường”.

Thống kê từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các mô hình canh tác lúa thông nh triển khai từ năm 2016 đến nay đều cho năng suất tăng vượt trội. Tùy thuộc vào phương pháp canh tác, số liệu ghi nhận được, trung bình sản lượng tăng từ 200 – 870kg/hecta, lợi nhuận bình quân tăng 3,5 - 5,9 triệu đồng/hecta. 

Bức tranh cơ giới hóa ở vùng ĐBSCL đã có rất nhiều gam màu tươi sáng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ giới hóa, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo. Đặc biệt là tinh thần dám đổi mới, sáng tạo của bà con nông dân. Cơ giới hóa đã đạt được bước thành công nhất định và đang được ĐBSCL đi đến tận cùng của chuỗi giải pháp, làm chủ công nghệ, làm giàu từ sân nhà.