Lãi suất vay mua nhà giảm chỉ từ 5%

Hiện, lãi suất vay mua nhà hiện giảm mạnh, so với năm 2020 hiện giảm thêm khoảng 1-2,5%/năm - mức giảm chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này đã thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

# Cuối tuần qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; và đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến ngày 1/7/2022. 

Và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải báo cáo giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 

Còn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú vừa có chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiên quyết dẹp bỏ tệ nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

# Tính từ đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 540 tỷ USD.

Còn theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, trong các nhóm hàng hóa nhập khẩu, trị giá nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc các loại về Việt Nam đạt cao nhất.

# Đáng chú ý, thủy sản đang là mặt hàng có trị giá xuất khẩu cao nhất, đạt 889 triệu USD, nhờ nhu cầu từ các thị trường như Mỹ, EU tăng cao.

Tuy nhiên, do bị kiểm tra Covid-19 gắt gao đã khiến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm liên tục, trong đó tôm hùm giảm tới 82%. 

# Để kích cầu nhu cầu mua nhà trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, các ngân hàng liên tục đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn kèm theo nhiều ưu đãi.

Hiện, lãi suất vay mua nhà hiện giảm mạnh, so với năm 2020 hiện giảm thêm khoảng 1-2,5%/năm - mức giảm chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này đã thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng. Một khách hàng chia sẻ:

"Với tôi thì đây là cơ hội để sở hữu một căn nhà bới lãi suất các ngân hàng hiện khá thấp, nhiều ngân hàng ưu đãi lãi suất tới 2 năm. Nhưng mà tôi cũng hơi e ngại vì  lãi suất sau kỳ ưu đãi cũng còn cao nên tôi cũng cần tính toán".

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà là chính sách phù hợp, nhưng phải kiểm soát chặt để hỗ trợ đối tượng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ. Do đó, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo:

"Còn khách hàng trước khi ký hợp đồng vay tiền mua nhà cần phải đọc và xem xét thật kỹ từng điều khoản trên hợp đồng như lãi suất, cách thức tính lãi, ưu đãi...Người dân xác định vay tiền ngân hàng để mua nhà phải cân nhắc kỹ bài toán trả nợ vốn cũng như các chi phí kèm theo có phù hợp với khả năng tài chính của mình hay không".

# Từ đầu tháng 11, sức mua tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn TPHCM tăng trung bình đạt 20-25% so với thời điểm trong đợt dịch lần thứ 4. 

Còn vào cuối tuần qua, Hà Nội đã bắt đầu triển khai “Tháng khuyến mại 2021”, với nhiều ưu đãi lên tới 100% tại trên 30 Trung tâm mua sắm tập trung và gần 2.000 điểm bán hàng. 

# Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đáng chú ý, dự kiến “bổ sung quy định chủ đầu tư dự án BĐS phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản”. Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Thành, PCT Hiệp hội BĐS Việt Nam nêu quan điểm:

"Việc chỉ được giao dịch trên sàn thì nó có bất cập, chưa đồng bộ với quy định khác. Như Luật nhà ở, về quyền sở hữu BĐS, người ta có quyền định đoạt nó, quyết định hình thức chuyển nhượng, thứ 2 nếu giao dịch qua sàn thì nó tăng chi phí, tăng thủ tục và thời gian. Cho nên cần những nghiên cứu kỹ hơn để đồng bộ hóa quy định, mang tính khách quan, có tính thực tiễn cao hơn và phù hợp với lợi ích của xã hội".

Nói về phương án quản lý các mua bán BĐS hiệu quả, ông Thành cho rằng, thay vì dồn toàn bộ giao dịch lên sàn, chúng ta hoàn toàn có thể chia giao dịch thành nhiều phân khúc, từ đó người dân sẽ tự quyết định sản phẩm nào cần mua bán ở thị trường nào:

"Không phải tất cả BĐS đều lên sàn là tốt đâu, các dự án thì dứt khoát nên có quy định để dự án được lên sàn giao dịch, vì nó có tính tập trung, hệ thống, đảm bảo thông tin đầy đủ hơn. Có lẽ ta có thể phân định nó ra, phân khúc nào cần lên sàn, còn những loại hình BĐS nào không nhiết thiết (nhưng khuyến khích) để giao dịch trên sàn BĐS".

# Với thị trường hàng hóa đang được liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa VN, chỉ số MXV-Index đang ở mức 2.383 điểm. Đáng chú ý nhất trong tuần qua là thị trường cà phê, được hưởng lợi từ đà tăng của giá thế giới, giá cà phê tại Tây Nguyên sáng nay được chào bán trong khoảng 40.400–41.300 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg so với đầu tuần trước.

Cung cấp thêm các thông tin mà giới đầu tư cần phải chú ý trong tuần này, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết:

Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều đang nói rất nhiều tới câu chuyện lạm phát giá hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt là ở nhóm nông sản và năng lượng. Tuy nhiên, trong dài hạn, dầu thô sẽ vẫn là mặt hàng đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của thị trường hàng hóa nói chung.

# Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo, bất chấp giá năng lượng ở mức cao, kinh tế EU vẫn sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay. 

Đáng chú ý, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS), châu Âu là nơi có nhiều thành phố đứng trước nguy cơ bong bóng BĐS nhất. 

# Nhật Bản dự kiến tăng mạnh ngân sách cho gói kích thích kinh tế mới, dự kiến sẽ vượt mức 40.000 tỷ yen (~350 tỷ USD). 

Còn tại Mỹ, lao động tự nguyện bỏ việc đang tăng cao ký lục lên 4,4 triệu trong tháng trước và tỷ lệ nghỉ việc đã tăng lên 3%. 

# Báo cáo tháng 11 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 ở mức khoảng 4,2 triệu thùng/ngày. 

Đáng chú ý, UBCK và giao dịch Mỹ vừa ‘dội gáo nước lạnh’ vào thị trường Bitcoin, khi từ chối phê duyệt sàn giao dịch ETF-Bitcoin-spot đầu tiên.