Kiên Giang: Phân loại tại nguồn xử lý rác thải trong năm 2025

Theo luật bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Tại các địa phương, công tác này đang được quyết liệt thực hiện.

Phân loại rác tại nguồn luôn là vấn đề được các đô thị quan tâm, bởi công đoạn này giảm thiểu được số lượng rác thải chôn lấp, góp phần quan trọng đối với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nếu rác được phân loại sẽ trở thành “tài nguyên quý giá”, chứ không đơn thuần là những thứ bị vứt bỏ đi.

Ông Huỳnh Hữu Tùng - một người dân sống tại Rạch Giá cho rằng, bộ phận người dân rất đồng tình với việc triển khai phân loại rác tại nguồn. Bởi đây là việc làm cần thiết trong một đô thị văn nh, hiện đại. Tuy nhiên, để triển khai được trơn tru, nhà quản lý đô thị cần có sự đầu tư về trang thiết bị để người dân thực hiện.

“Người dân sẽ đồng tình thôi, vì hành động này là tốt cho cá nhân, cho xã hội. Nhưng giờ nếu chỉ tuyên truyền mà không đầu tư xe dọn rác, thùng phân loại rác, nơi xử lý rác...thì người dân phân loại kiểu gì. Thế nên mới nói cần có sự đầu tư là như vậy”, ông Tùng nói.

Phân loại rác tại nguồn luôn là vấn đề được quan tâm

Ông Phùng Quốc Bình – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã có những động thái triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền đến người dân luôn được chú trọng hàng đầu, để làm được, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, đoàn thể, cấp hội...nhằm xây dựng chặt chẽ mối liên kết, từ đó đưa thông tin đến người dân được sâu và rộng hơn.

Qua công tác tuyên truyền đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể ở một số huyện vùng sâu gồm: Gò Quao, An Minh, U Minh Thượng...người dân đã thực hiện việc phân loại rác hữu cơ để tái chế thành phân bón, góp phần giảm được chi phí đầu tư và nâng cao giá trị sản phẩm. Đối với các 3 thành phố lớn tại Kiên Giang gồm: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên cũng được phát động thực hiện. Dự kiến theo kế hoạch đến hết quý 3 năm 2025 sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện việc phân loại rác tại nguồn: “Tham mưu kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để thu gom, xử lý rác thải tái chế, tái sử dụng. Nếu làm được việc này thì lượng rác thải chúng ta đốt, chôn lấp sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra sẽ tham mưu đề xuất với UBND tỉnh Kiên Giang về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại thu gom, vận chuyển, xử lý đối với rác thải trên địa bàn tỉnh”.

Dự kiến theo kế hoạch đến hết quý 3 năm 2025 sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn địa bàn tỉnh Kiên Giang

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, vấn đề xử lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng gắn liền với đời sống của người dân và sự phát triển đô thị. Dù thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực thực hiện, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế. Vấn đề trong xử lý rác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện nay là chưa được triển khai đồng bộ, thiếu khu xử lý phân loại rác...

Vì thế, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn đồng bộ, chi tiết từ khâu tổ chức cho đến phân loại tại nguồn ở một số địa phương, qua đó rút kinh nghiệm và triển khai hiệu quả hơn trên toàn địa bàn tỉnh.

“Tới đây, đối với khu vực đô thị thì tỉnh sẽ quan tâm tiếp tục chỉ đạo để đảm bảo nhiệm vụ thu gom, xử lý rác đồng bộ. Hiện nay qua đánh giá thì việc triển khai chưa được đồng bộ. Thế nên, muốn hoàn thành mục tiêu phải thực hiện đồng bộ từ lúc nguồn rác thải ra phải được phân loại, công tác thu gom, công tác xử lý, ý thức của các chủ thể tham gia, chế tài xử lý. Đối với các nội dung này phải triển khai đồng bộ thì chúng ta mới đạt được mục tiêu bền vững”, ông Nguyễn Thanh Nhàn cho biết

Trong bối cảnh tỉnh Kiên Giang đang xây dựng, phát triển nhiều nông thôn mới và 2 thành phố Rạch Giá, Phú Quốc hướng đến đạt đô thị loại I trong năm 2025 thì việc phân loại rác tại nguồn nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân là yếu tố quan trọng. Từ đó góp phần phát triển các địa phương theo hướng xanh, bền vững.