Kiểm soát kinh doanh hoá chất độc hại, góp phần hạn chế các vụ trọng án

Sau 2 tháng tổng kiểm tra rà soát, Công an TPHCM đã khởi tổ 6 vụ án với 31 bị can về tội “mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”, trong đó đáng chú ý là thu giữ gần 10 tấn xyanua – 1 loại hoá chất cực độc được tìm thấy trong nhiều vụ trọng án thời gian vừa qua.

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với TS Đoàn Văn Báu – chuyên gia tâm lý tội phạm về nội dung này.

Hóa chất được bày bán tại chợ Kim Biên, TP.HCM - Ảnh: Tuổi trẻ

PV: Xin chào TS Đoàn Văn Báu, vừa qua Công an TP.HCM đã thu giữ hàng tấn xyanua trên thị trường kinh doanh hoá chất trôi nổi, ông nhận định như thế nào về tình trạng này tại TPHCM?

TS Đoàn Văn Báu: TP.HCM mà tập trung nhiều nhất tại khu vực chợ Kim Biên là nơi cung cấp các loại hoá chất trong và ngoài danh mục với phương thức mua bán là các chủ cửa hàng nhỏ trưng bày một số mẫu hoặc một số loại dù không trưng bày nhưng khi khách hàng cần thì sẽ có đầu nậu cung ứng.

Do vậy, việc mua bán xyanua và nhiều chất độc khác vẫn diễn ra trên thị trường.

Khác với các nước phát triển trên thế giới việc quản lý rất chặt chẽ và có chỉ định của các cơ quan chức năng như Hội bảo vệ thực vật hay theo đơn của bác sĩ thì ở nước ta chưa quản lý chặt việc này nên rất nhiều người vẫn đang kinh doanh trôi nổi mặt hàng này

PV: Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều vụ trọng án liên quan đến các loại chất độc trong đó có xyanua. Vậy việc quản lý thị trường kinh doanh hoá chất độc hại chưa chặt chẽ có phải là nguy cơ khiến số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các loại chất độc này có xu hướng gia tăng?

TS Đoàn Văn Báu – chuyên gia tâm lý tội phạm

TS Đoàn Văn Báu: Việc quản lý chưa chặt thị trường hoá chất độc hại như vậy cũng là một nguy cơ, ngoài ra việc các chế tài xử lý việc mua bán này chưa thực sự nghiêm khắc để răn đe các đối tượng vì lợi nhuận mà tổ chức mua bán các loại chất độc này.

Thực tế, nhiều người vẫn mua các hoá chất độc hại này về để diệt chuột hay các loại côn trùng có hại nào đó nên người bán cũng chủ quan, chưa hẳn là có chủ định bán cho người mua để gây ra các vụ trọng án.

Tuy nhiên, việc xảy ra hàng loạt vụ án đầu độc bằng xyanua từ việc Nguyễn Thị Thanh Vân những năm 90, sau đó đến vụ ở Nhơn Trạch hay vụ rơi xe ở đèo Bảo Lộc vừa qua thì cho thấy các đối tượng sử dụng xyanua có dấu hiệu bị ám thị xã hội, tức là khi muốn đầu độc người khác là nghĩ ngay đến xyanua.

Mặt khác, một phần cũng do các thông tin từ báo chí, chẳng hạn như khi đăng tải về các vụ án như vậy thì không cần đăng quá chi tiết về các loại chất độc này. Tôi vẫn thấy nhiều trang thông tin lại nói rất rõ về phương thức mua chất độc như thế nào, tính chất của các loại chất độc này không mùi không màu không vị, trong vòng bao nhiêu lâu với liều lượng bao nhiêu thì sẽ gây triệu chứng như thế nào…thì không khác gì vẽ đường cho hưu chạy.

Do vậy, những đối tượng khi có ý đồ sát hại ai đó thì với sự ám thị sẽ xuất hiện trong đầu về những vụ án trước đây, từ đó tìm ra phương thức hiệu quả nhất để đầu độc người khác chính là dùng xyanua.

PV: Chúng ta cần phải làm gì thời gian tới để vừa quản lý chặt hoạt động kinh doanh hoá chất độc hại trong đó có xyanua cũng như làm giảm số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến các hoá chất độc hại này?

TS Đoàn Văn Báu: Tôi cho rằng bên cạnh việc quản lý chặt chẽ hơn đối với việc kinh doanh các loại hoá chất độc hại ngoài danh mục thì cũng cần phải tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.

Ngoài ra, cũng cần chấn chỉnh lại hoạt động đăng tải thông tin để tránh gây ám thị xã hội và quan trọng nhất là với những người có liên quan trong các mâu thuẫn cần phải có kỹ năng để giải quyết mâu thuẫn để không phát sinh thù hận dẫn đến các vụ án đau lòng như thời gian qua.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!