Kích hoạt báo động đỏ nam sinh dập phổi nặng do tai nạn giao thông

Nam sinh viên bị đa chấn thương dập phổi nặng do tai nạn giao thông được đưa vào Bệnh viện Quân Y trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ “Code Red” toàn viện, thực hiện ECMO cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Trước đó, nam sinh viên  H. N. S. N ( 19 tuổi) bị tai nạn giao thông đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương các vị trí: hàm mặt, chấn thương ngực kín, bụng kín và chi thể. Xác định ca bệnh rơi vào tình trạng hết sức nguy kịch, khả năng tử vong cao.

Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM nhấn nút báo động “Code red” toàn bệnh viện, ê-kíp cấp cứu tiến hành phối hợp hội chẩn, thực hiện các biện pháp hồi sức chống sốc từ kiểm soát đường thở, bù dịch, bù máu, giảm đau đến chụp cắt lớp vi tính ngực, bụng và tầm soát các tổn thương.  Đặc biệt ghi nhận ban đầu, nam sinh có tình trạng xuất huyết trong ổ bụng lượng nhiều, kèm với các tổn thương khác.

Ê-kíp với nhiều bác sĩ chuyên khoa được huy động cho tình huống báo động đỏ đã kịp thời can thiệp cứu sống nam sinh viên nguy kịch đa chấn thương do tai nạn giao thông.

Đội ngũ phải tranh thủ thời gian vàng thực hiện nhiều thủ thuật để xử lý các tình huống: cầm máu ở bụng, rách mạch lớn, thủng hỗng tràng và vỡ bàng quang.

Sau phẫu thuật sinh hiệu bệnh nhân ổn định vượt qua nguy kịch được đưa về khoa Hồi sức tích cực để điều trị. Song, sau 3 ngày do tổn thương dập phổi tiến triển nặng, bệnh nhân bị diễn biến suy hô hấp rơi vào tình trạng nguy kịch và thất bại với thở máy (lúc này máy thở đã tối đa).

Đặt ECMO để xử lý tình trạng dập phổi nặng của bệnh nhân.

Bác sĩ thượng úy Tạ Văn Bạch, Khoa Hồi sức tích cực cho biết,  sau khi nhanh chóng hội chẩn với các chuyên gia về hồi sức, ê-kíp đưa ra quyết định đặt VV- ECMO (Kỹ thuật Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) để cứu sống cho bệnh nhân.  Một quyết định khó khăn khi bệnh nhân có nhiều nguy cơ chảy máu, khi chạy ECMO bắt buộc phải dùng thuốc kháng đông.

Vừa qua được đỉnh điểm khó khăn, tổn thương phổi ở phổi quá nặng, máy ECMO không đủ để hỗ trợ cho phổi, đồng thời xuất hiện tình trạng chảy máu rỉ rả mũi ệng và vết mổ ngay thành bụng. Tình thế lúc này “thập tử nhất sinh”, bác sĩ buộc phải sử dụng thuốc kháng đông tối thiểu, chấp nhận nguy cơ đông màng ECMO sớm hơn bình thường để bảo vệ bệnh nhân và bắt buộc đặt thêm đường lấy máu phụ để nâng lưu lượng ECMO.

Trải qua 5 lần phẫu thuật và kết hợp từ các chuyên khoa: Khoa Hồi sức Ngoại; Khoa Hồi sức Nội; Khoa Ngoại bụng; Khoa Ngoại tiết niệu; Khoa Chi dưới; Khoa Mặt hàm; Khoa Tai Mũi Họng. Các kĩ thuật chuyên sâu nhất đều được bác sĩ áp dụng để cứu sống bệnh nhân như phương pháp ECMO, thở máy và lọc máu liên tục.

Qua 7 ngày sau, bệnh nhân thoát cửa tử rồi dần dần cai máy thở và được tiến hành tập vật lý trị liệu.