Không để SGK, đồ dùng học tập kém chất lượng lọt vào trường học

Sách giáo khoa, đồ dùng học tập giả, kém chất lượng vẫn đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ. Làm thế nào để hàng giả, hàng kém chất lượng không còn cơ hội xâm nhập và tấn công môi trường học đường?

Bên lề chương trình trưng bày của Tổng cục Quản lý thị trường với chủ đề “nhận diện SGK và đồ dùng học tập” đang diễn ra tới hết ngày 24/8/2024 tại số 62 Tràng Tiền, Hà Nội, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường về vấn đề hết sức nhức nhối này.

PV: Tình hình vi phạm về sách giáo khoa và đồ dùng học tập giả, kém chất lượng hiện nay diễn biến phức tạp như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh năm học mới 2024-2025 đã tới? Tổng cục Quản lý thị trường đã có những biện pháp gì để ngăn chặn và xử lý tình trạng này?

Ông Nguyễn Đức Lê: Hiện tượng này gần đây có chiều hướng gia tăng. Nó thể hiện qua các vụ việc kiểm tra vừa qua của lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện được rất nhiều vụ việc với số lượng hàng hóa vi phạm lên đến hàng vạn sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, đặc biệt là sách giáo khoa và các đồ dùng học tập giả.

Trước tình hình đó Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có những chỉ đạo rất quyết liệt từ Trung ương đến cấp địa phương.

Hàng năm chúng tôi trước các dịp khai giảng đều có văn bản chỉ đạo để cơ quan quản lý thị trường địa phương xây dựng các kế hoạch chuyên đề cũng như tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện địa điểm là nơi sản xuất hay tàng trữ, kinh doanh các sản phẩm và sách giáo khoa lậu hoặc các sản phẩm đồ dùng học tập kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ cũng như hàng giả, để phục vụ các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh, đảm bảo một năm học mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Ảnh: Lao Động

PV: Việc nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập giả, kém chất lượng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với phụ huynh và học sinh. Tổng cục có kế hoạch gì để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết và phòng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Đức Lê: Việc phân biệt sách giáo khoa thật giả cũng như phân biệt đồ dùng học tập của các doanh nghiệp làm ăn chân chính tương đối khó khăn. Bởi vì các sản phẩm in ấn nếu quan sát bên ngoài thì rất khó phân biệt, hàng giả có hình thức rất bắt mắt và tương tự như thật, hoặc là chúng ta sử dụng các đồ dùng học tập đấy thì chúng ta mới phát hiện ra chất lượng không đúng như là sản phẩm thật, điều này buộc chúng tôi phải tiến hành hoạt động tuyên truyền.

Để có tài liệu tuyên truyền thì chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, đặc biệt là nhà xuất bản Giáo dục trong việc làm sao để phát hiện ra các dấu hiệu để phân biệt hàng thật, giả. Từ đó hướng dẫn các lực lượng quản lý địa phương tăng cường rà soát các điểm kinh doanh, hướng dẫn cho các doanh nghiệp lựa chọn kinh doanh những sản phẩm thật cũng như giới thiệu cho người tiêu dùng biết các điểm mua được hàng thật.

Ngoài ra chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các thôn, xóm thì chúng tôi sẽ có những đồng chí được phân công phụ trách, nhân dịp đầu năm học thì chúng tôi tôi cũng phát tờ rơi, ghi cam kết để cho các hộ kinh doanh biết, không mua và kinh doanh những sản phẩm sách giáo khoa giả.

Ảnh: Công thương

PV: Xin ông cho biết những thách thức lớn nhất mà Tổng cục Quản lý thị trường đang gặp phải trong công tác đấu tranh với sách giả, sách kém chất lượng?

Ông Nguyễn Đức Lê: Trước kia chúng ta mua sách phải đến cửa hàng sách nhưng mà với sự phát triển rất là mạnh của thương mại điện tử thì rất nhiều sản phẩm sách đã được bán trên các nền tảng điện tử thì chúng ta mới chỉ nhìn thấy vỏ ở ngoài của quyển sách thôi, rất khó để chúng ta phát hiện được nội dung bên trong cuốn sách có phải là thật hay không, hay là đồ dùng học tập đấy nó có phải là hàng chính hãng hay không? Đấy là khó khăn đầu tiên.

Cái vấn đề thứ hai là các đối tượng đã đưa các địa điểm sản xuất rời xa khu trung tâm, rồi tiến hành sản xuất tại vùng hẻo lánh, ít dân cư dẫn đến việc cơ quan chức năng phát hiện ra thì các đối tượng đã tẩu tán và tiêu thụ sản phẩm trong một thời gian rất là dài, và điều này nó ảnh hưởng chất lượng giáo dục cũng như chất lượng học tập của các em học sinh cũng như là của các thầy cô giáo, và đặc biệt là rất nguy hại cho môi trường học tập cũng như xã hội học tập của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông.