Khi điểm đón không dành cho hành khách và xe buýt

Nhà chờ, điểm đón xe buýt, một trong những điều kiện trọng của hạ tầng xe buýt. Thế nhưng từ lâu nay, tại Hà Nội, các điểm đón trả xe buýt lại gần như chẳng được để ý hay thậm chí còn bị ngang nhiên chiếm dụng làm mục đích riêng.

Điều này dẫn đến việc người dân khó tiếp cận hay vẫn còn nhiều e ngại khi sử dụng loại hình vận tải công cộng này.

 

Bãi trông giữ xe lấn chiếm điểm đón trả xe buýt trên phố Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Phố Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mặc dù đã có biển báo, vạch kẻ đường báo hiệu điểm dừng đỗ, đón trả khách của xe buýt, thế nhưng ô tô vẫn đỗ kín không còn thấy lối vào của điểm đón.

Phải khó khăn lắm, em Phan Văn Huy, học sinh của một trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mới có thể đi hết vài trăm mét trên vỉa hè rồi len lỏi qua các hàng xe để đến được điểm đón xe buýt. Thế nhưng, đây chỉ là bước đầu cho hành trình để lên được xe buýt của em và nhiều hành khách khác. Bởi lẽ điểm đón trả xe buýt này đã bị chiếm dụng để làm nơi trông giữ xe, còn lòng đường cũng bị “tận thu” để trông giữ phương tiện.

“Em cứ trèo qua những cái xe này, có những khe trống này, em cứ luồn qua thôi, em khó lắm tại vì cứ vướng mấy cái bô xe máy, vướng vào lại bị bỏng. Em chẳng bao giờ có lựa chọn khác, em sợ bị xe đâm, lần trước gần nhà em có vụ người ta đi xuống đường, có cái ô tô mất lái người ta đâm vào, em sợ quá, em không dám đi xuống đường luôn. Em tự nghĩ trong đầu mỗi ngày là nếu mà đi bộ em sẽ không bao giờ đi xuống đường nữa, quá sợ”, em Huy cho biết.

Ảnh nh hoạ: TTX VN

Không chỉ điểm đón trả xe buýt tại phố Quán Sứ bị chiếm dụng, trong các tuyến phố khác, không khó để bắt gặp những hình ảnh người ta hô biến các điểm đón xe buýt, nhà chờ xe buýt thành của riêng. Tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, rác thải bừa bãi từ bồn hoa, vỉa hè đến lòng đường.

Trạm trung chuyển này cũng trở thành nơi buôn bán và đỗ xe đón khách của các tài xế. Hàng nước, hàng rong thi nhau bày bán hàng quán, xe ôm dừng đỗ xe vô tội vạ dàn hàng ngang, chắn kín lối ra vào trạm, hay di chuyển cả vào phần đường dành cho xe buýt, rồi áp sát, chèo kéo, tranh giành khách ngay trong trạm trung chuyển khiến khu vực này luôn trong tình trạng giao thông hỗn loạn. Điều này vô hình chung khiến cho một trong những trạm trung chuyển xe buýt lớn nhất Hà Nội trở nên nhếch nhác, lộn xộn.

Thường xuyên đón xe buýt tại trạm chung chuyển Long Biên, Bùi Thanh Trà và Nhật Anh, sinh viên trường ĐH Văn Hóa Hà Nội cho biết: “Nhìn bằng mắt đã thấy rồi, nguyên một bãi rác ở đây luôn. Có nhiều rác lắm mà đa số là rác thải nhựa. Thùng rác phân bố ít thành ra mọi người cũng tiện tay vứt vừa ở đấy thôi. Cảnh quan chắc chắn là bị ảnh hưởng nhiều. Rất mong sẽ có những quy định, quy hoạch khác để quản lý vệ sinh bến bú này để cho người dân đến sử dụng xe buýt có thể có môi trường tốt hơn”.

“Như mọi khi thôi, rác vẫn chưa được dọn sạch lắm, không khí vẫn bụi và mùi lắm, em đánh giá bến buýt này chỉ được 5 điểm thôi vì vẫn rất ít công nhân qua lại để dọn dẹp”.

Ảnh nh hoạ: TTX VN

Thường xuyên đón xe buýt tại khu vực cổng trường Đại học GTVT Hà Nội, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (trú tại quận Đống Đa) chia sẻ: “Đối với tình trạng các trạm chờ xe buýt hiện nay thì mình thấy nó đang có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là vệ sinh không đảm bảo. Thứ hai là về an toàn cho những người mà đứng ở đấy chờ điểm xe buýt hoặc là xuống điểm xe buýt.

Tình trạng lấn chiếm, để các dụng cụ chắn đường, xe buýt đi vào các điểm chờ sẽ không thể nào tiếp cận được đúng vị trí để cho người dân có thể lên mà người dân phải dừng ở bên ngoài tại vì có ô tô, vật cản, vật liệu  xây dựng hay để ở đó và mình đi xe buýt, phải đi qua các điểm đấy, đi ra lề đường để lên xe buýt và chắc chắn là không an toàn, gây ách tắc giao thông. Khi đứng ở các trạm đấy nó quá ngổn ngang, không được thoải mái cho lắm”.

Những nhà chờ, điểm dừng đón, trả khách không còn là của xe buýt cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân mất dần thiện cảm, không mấy mặn mà với các dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng. Được biết, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Công an TP. Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý các hành vi lấn chiếm, xâm hại hạ tầng giao thông dành riêng cho xe buýt như tạm giữ xe vi phạm, tịch thu biển quảng cáo, xử lý hành chính...

Tuy nhiên, sau khi bị xử lý một thời gian thì nhiều cá nhân lại tiếp tục vi phạm, rồi đâu lại hoàn đó, những người bán hàng rong vẫn vô tư lấn chiếm, bãi trông giữ xe vẫn tồn tại, thách thức lực lượng chức năng, ngang nhiên lấn chiếm khu vực đón trả khách của xe buýt… còn các tài xế lái xe buýt chỉ biết ngậm ngùi đón trả khách ở giữa đường hoặc cách xa điểm đón: 

“Mặc dù đã có điểm dành riêng cho xe buýt để mình đón, trả khách nhưng nhiều khi ô tô họ đỗ ở đấy hoặc 1,2 xe máy đỗ ở đấy thì cũng gây cản trở. Người ta có thể biết đó là điểm dành riêng cho xe buýt nhưng họ vẫn cứ đỗ ở đó. Đó là do ý thức của mỗi người”.

“Nhiều lúc cũng có khó khăn vì người tham gia giao thông không biết đây là điểm đón trả khách của xe buýt, người ta đỗ ở trước điểm ấy thì lái xe chúng tôi những lúc ấy rất là ngại vì mình đỗ ở ngoài, xa quá thì nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Ảnh nh hoạ: TTX VN

Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, điểm đón xe buýt trên phố Quán Sứ, nhà chờ xe buýt trên đường Cầu Giấy hay một số điểm chờ xe buýt trên đường Lý Thường Kiệt, Phạm Hùng… chỉ là 1 trong những ví dụ về tình trạng lấn chiếm nhà chờ, điểm đón trả khách của xe buýt.

Các hành vi lấn chiếm này không chỉ gây nên những vấn đề về mất an toàn giao thông, an ninh trật tự mà còn gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan đường phố, làm xấu đi hình ảnh của một Thủ đô đẹp trong mắt người dân và du khách.

Hiện Hà Nội đang khuyến khích vận tải công cộng để giảm ùn tắc, TNGT và ô nhiễm môi trường. Thế nhưng những vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua tại các điểm đón trả khách dành cho xe buýt đang làm ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng của dịch vụ xe buýt./.