Các chuyên gia cho rằng, phần không gian dưới gầm cầu nếu được tận dụng xây dựng các công trình công cộng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, đồng thời kiểm soát được tình trạng lấn chiếm lâu nay.
Ghi nhận của phóng viên sau 1 tháng Sở GTVT TPHCM chỉ đạo “nóng” các đơn vị liên quan thực hiện lắp hàng rào và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, lấn chiếm, đổ rác… tại phần không gian dưới gầm cầu cho thấy, tình hình chưa có chuyển biến tích cực.
Tại cầu Chà Và (quận 5), dù không gian phía dưới gầm cầm đã được rào chắn nhưng tình trạng rác thải và buôn bán hàng rong vẫn diễn ra phức tạp bên trong và ngoài hàng rào. Còn tại dưới gầm cầu Chữ Y (quận 8), giờ lại trở thành bãi tập kết của những người thu mua phế liệu. Trên thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều gầm cầu trên toàn địa bàn TPHCM đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Nhiều người dân cho biết, tình trạng buôn bán, lấn chiếm phía dưới gầm cầu chỉ ngừng được một thời gian khi có lực lượng chức năng tuần tra. Sau khoảng thời gian này thì đâu lại vào đấy:
“Lúc mà dựng hàng rào này lên là không thấy ai buôn bán gì nữa. Tưởng đâu dẹp được luôn nhưng tới giờ là trở lại như cũ”.
“Những nơi như này rất phức tạp, không biết người ở đâu đến. Nguy hiểm nhất là lúc đêm khuya, góc tối họ tụ tập lại rất mất an ninh trật tự".
“Dưới gầm cầu là một không gian trống trải thì tất nhiên những nhu cầu mua bán rồi tranh thủ làm được gì cũng là đương nhiên nếu như chúng ta không có cách quản lý”.
Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, để giải quyết vấn đề này, ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý hành vi lấn chiếm không gian gầm cầu nhằm trục lợi. Đồng thời, xem xét nghiêm cứu kĩ lưỡng tận dụng phần không gian này để vừa cân bằng được mỹ quan đô thị và an ninh trật tự.
“Tôi nghĩ là nên khai thác gầm cầu để đảm bảo được mục tiêu an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Dù sao không gian dưới gầm cầu cũng là nơi để che nắng che mưa được, cho nên là chỗ nào không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thì có thể sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau, lúc đó sẽ có người giám sát và có người gìn giữ vệ sinh trật tự”, Tiến sĩ Võ Kim Cương nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để tránh lãng phí, ngoài biện pháp xây dựng rào chắn, TP.HCM hoàn toàn có thể tận dụng phần không gian dưới gầm cầu để làm nhà vệ sinh công cộng, bãi giữ xe, trồng cây….Tuy nhiên thực hiện được điều này, Sở GTVT TP.HCM cần phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc nhằm tính toán chặt chẽ để đảm an toàn giao thông.
Cũng theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: “Có lẽ là Sở GTVT nên có hướng mở tốt hơn trong việc đưa hạ tầng vào sử dụng. Khi đặt những công trình này thì phải lưu ý vấn đề an toàn cho người dân. Vì không gian dưới gầm cầu đặc điểm là luồng giao thông 2 bên như vậy thì phải đảm bảo được lề đường đi bộ xung quanh và chỗ để người dân qua đường an toàn. Và điều này có nghĩa là không phải chỗ nào cũng làm được, chắc chắn là phải có sự phối hợp của các chuyên gia ở Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc”.
TP.HCM là một đô thị đang ngày một phát triển, nhưng không gian công cộng và tiện ích, dịch vụ công cộng lại ngày càng bị thu hẹp. Việc xem xét, tính toán nhằm khai thác, tận dụng phần không gian dưới dạ cầu, gầm cầu cũng là một trong hướng đi khả quan để TP.HCM giải quyết những vấn đề này.