Khai mạc ngày hội du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng”

Sáng 10/7, UBND quận Cái Răng tổ chức Khai mạc Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” TP. Cần Thơ lần thứ VII năm 2023, hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam (09/7).

Đây là sự kiện thường niên của thành phố Cần Thơ nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh chợ nổi Cái Răng – chợ nổi lớn nhất ĐBSCL hiếm hoi còn duy trì, phản ánh sắc nét văn hóa đời sống của cư dân vùng sông nước Cửu Long. 

Ra đời cùng lúc với chợ nổi Ngã Năm và Ngã Bảy. Đến nay, chỉ còn duy nhất chợ nổi Cái Răng được duy trì để giao thương và khai thác du lịch

Với chủ đề “Bảo tồn và phát triển Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” ngày hội có 15 hoạt động diễn ra mà điểm nhấn là hội thi Nét đẹp áo bà ba xưa và nay và hội thi Trưng bày mô hình ghe tàu, cây bẹo mua bán nông sản – “linh hồn” của chợ nổi. Trong khuôn khổ ngày hội có Hội thảo chuyển đổi số du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tạo sức hấp dẫn, 60 gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu đặc sản, bánh dân gian Nam Bộ… được giới thiệu đến du khách để thưởng thức kèm với các tiết mục biểu diễn Đờn ca tài tử trên sông.

Mặt hàng chủ yếu được buôn bán tại chợ nổi Cái Răng là nông sản 

Đây là “nhịp cầu” để các doanh nghiệp được trực tiếp gặp gỡ, liên kết, hợp tác trong kinh doanh, mở rộng tour tuyến du lịch; là dịp để địa phương lắng nghe nhận xét, đánh giá của du khách, các đơn vị lữ hành, các nhà quản lí, cơ quan truyền thông… về hoạt động ngày hội, từ đó, từng bước nâng chất xây dựng dựng Chợ nổi Cái Răng trở thành điểm du lịch hấp dẫn hơn nữa.

Được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 20 do đòi hỏi của thời cuộc, chợ nổi đã khắc họa đậm nét đặc trưng đời sống sinh hoạt của cư dân vùng sông nước Cửu Long. Cùng trang tuổi với chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) và chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), đến nay, chợ nổi Cái Răng là tổ hợp chợ duy nhất còn duy trì với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Có 300 tàu ghe neo tại chợ mua bán sỉ và lẻ hàng nông sản với lượng đầu ra đạt 2.000 tấn/tháng. Mỗi buổi sáng có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tham quan.

Bên cạnh các thương hồ bám chợ mua bán quanh năm thì tại đây diễn ra các hoạt động du lịch, thưởng thức ẩm thực phong cách “chồng chành” trên sông nước.

Chợ nổi Cái Răng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Được bình chọn là một 01 trong 10 khu Chợ nổi nhộn nhịp nhất thế giới và nằm trong top 6 Chợ nổi đẹp nhất Châu Á. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa, chợ nổi phải đối mặt với nhiều thách thức để tiếp tục tồn tại như: Cạnh tranh với các loại hình giao thông tiện lợi khác, giữ chân thương hồ và các vấn đề về vệ sinh môi trường…

Để vực dậy sức sống mạnh mẽ, giúp chợ nổi Cái Răng phát triển bền vững, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt và thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng, tổng kinh phí 63 tỉ đồng với 13 hạng mục chính. Qua 6 năm, đề án đã thực hiện tốt phần gìn giữ bảo tồn. Chú trọng nhiều vào công tác an sinh, cho 500 hộ gia đình vay ưu đãi để phát triển du lịch, tham gia mua bán tại khu vực Chợ nổi. Hỗ trợ di dời nhiều bè nổi đến nơi neo đậu an toàn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương hồ và triển khai các biện pháp thu gom rác, vệ sinh môi trường trên sông. Kết quả, lượng khách đến chợ nổi Cái Răng tăng bình quân từ 12-15% mỗi năm.

Tổ chức Ngày hội du lịch là để quảng bá chợ nổi Cái Răng và kích cầu du lịch

Phần còn lại của Đề án là nội dung phát triển chợ nổi vẫn còn đang được cân nhắc các bước để thực hiện. UBND quận Cái Răng đang ra sức kêu gọi đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ tại chợ, tập trung vào xây dựng sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí, ẩm thực… tại chợ.