Hư cấu tiểu sử

Trong tháng 6, 2 bộ phim tiểu sử được công chiếu, về Trịnh Công Sơn và Elvis Presley đều được công chúng hào hứng đón nhận, điều đó cho thấy sự hấp dẫn của thể loại phim này. Tuy nhiên, ranh giới giữa hư cấu và sáng tạo trong các tác phẩm tiểu sử lại trở thành một đề tài gây tranh cãi. 

Không phải chỉ đến khi ca sĩ Khánh Ly phản ứng về một số chi tiết trong bộ phim Em và Trịnh thì câu chuyện giới hạn của sự hư cấu mới được thảo luận khi đề cập đến các tác phẩm văn học nghệ thuật có yếu tố tiểu sử, hoặc lịch sử.

Ở lĩnh vực điện ảnh, hầu như bộ phim tiểu sử nào cũng vấp phải sự phản ứng với các mức độ khác nhau của nhân vật, hoặc người có liên quan. Còn ở lĩnh vực văn học, mỗi khi có cuốn tiểu thuyết lịch sử, hồi ký, hay tiểu sử gây tiếng vang, đồng nghĩa với đó luôn là các tranh luận về mức độ hư cấu.

Phía các nhà làm phim, các nhà văn thì luôn khẳng định các giới hạn về sự hư cấu sẽ giết chết sự sáng tạo nghệ thuật.

Còn phía nhân vật, những người chịu tác động từ sự hư cấu ấy thì đòi hỏi tôn trọng sự thật, và không thể hư cấu quá giới hạn.

Nhưng giới hạn của sự hư cấu nằm ở đâu thì phù hợp? Đó là câu hỏi không dễ, thậm chí là không thể có câu trả lời chính xác.

Vậy thì phải làm sao?

Tôi cho rằng, bản thân khái niệm tiểu sử vốn dĩ không hàm chứa sự sáng tạo. Bởi vì một tiểu sử được sáng tạo ra, hư cấu ra, đã không còn là tiểu sử nữa, nó đã thành giai thoại, huyền sử mất rồi.

Vì thế, phim tiểu sử, dĩ nhiên không thể có hư cấu. Nếu có hư cấu, nó phải được định danh là phim huyền sử.

Văn học lịch sử cũng vậy, nên thay bằng văn học huyền sử để nhà văn có thể sáng tạo mà không cần tranh luận về giới hạn của hư cấu.

Trở lại với bộ phim Em và Trịnh, nhà sản xuất đã tỏ ra khá thận trọng khi xin phép và được phép của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để sáng tạo. Tuy nhiên, trong bộ phim không chỉ có chân dung ông Sơn, mà còn những nhân vật phụ, những người mà số phận của họ có sự tương tác để tạo nên hình ảnh ông Sơn.

Họ không chỉ là những nhân vật, mà còn là những con người có tên tuổi, nhân thân, là những quyền mà luật pháp bảo vệ. Họ cũng cần được xin phép để đồng ý hoặc không đồng ý với những chi tiết hư cấu có thể ảnh hưởng đến đời sống, hình ảnh của họ.

Khi sản xuất một bộ phim, viết một cuốn sách tiểu sử, tác giả buộc phải nhận được sự đồng ý của tất cả các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm. Đó là sự tôn trọng tối thiểu đối với quyền nhân thân của nhân vật, những người tạo nên tác phẩm.

Còn nếu không muốn phiền hà, mà vẫn có thể mặc sức sáng tạo, các nhà sản xuất nên nh định với công chúng đây là tác phẩm huyền sử, dựa trên sự sáng tạo (hư cấu), các nhân vật trong tác phẩm có thể trùng tên nhưng không nhất thiết có thật ngoài đời.

Đó là việc cần làm để đảm bảo quyền nhân thân của nhân vật không bị xâm phạm, mà hơn thế, còn là sự tôn trọng niềm tin của công chúng đối với sản phẩm mà họ thụ hưởng.

Các tác giả, đã đến lúc cần ý thức rằng họ không thể đồng thời mong muốn công chúng tin vào sự chân thực của tác phẩm, vừa đồng cảm với khả năng sáng tạo (hư cấu) của nghệ sĩ.

Và các nhà quản lý, cũng không nên hoàn toàn trông chờ vào ý thức tự giác của các nghệ sĩ. Hãy luật hóa những nguyên tắc kể trên!