Hỏa hoạn, mối nguy cho môi trường không khí

Theo một thống kê vừa được công bố, ô nhiễm không khí do hỏa hoạn có liên quan hơn 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó, hơn 220.000 trường hợp tử vong do bệnh hô hấp được cho là do khói và các hạt phát tán vào không khí từ các đám cháy.

Do đó, xử lý môi trường sau hỏa hoạn là vấn đề cần được quan tâm để bảo vệ cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Tùng, ở ngõ 342 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đã tận mắt chứng kiến 2 vụ cháy lớn tại công ty Rạng Đông và chung cư ni phố Khương Hạ. Nhà ở gần những địa điểm này, gia đình ông cũng chịu ảnh hưởng từ những cột khói lớn.

"Khói thì đi ra hồ để tránh thôi, nhà có 4 cháu nhỏ nên dắt các cháu ra hồ. Trong này sản xuất là có thủy ngân đấy, cũng lo lắm chứ nhưng vì cuộc sống, chẳng biết kêu ai. Chúng tôi cũng chỉ mong muốn làm sao các cơ quan chức năng lưu ý cho dân chúng tôi được yên tâm", ông Tùng nói.

Những vụ cháy không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, mà còn khiến chị Lê Thị Thùy, ở Cầu Giấy, lo lắng vì tình trạng ô nhiễm không khí vốn đã khá nghiêm trọng tại Hà Nội:

"Tôi thấy Hà Nội dạo gần đây có nhiều đám cháy lớn, khói làm cho không khí xung quanh càng thêm ô nhiễm. Để những khu sản xuất dễ cháy ở gần khu dân cư nó dễ lan ra, ảnh hưởng đặc biệt với người già, trẻ nhỏ, những người có sẵn bệnh về đường hô hấp".

Ô nhiễm không khí do hỏa hoạn có liên quan hơn 220.000 trường hợp tử vong do bệnh hô hấp trên thế giới mỗi năm, được cho là do khói và các hạt phát tán vào không khí từ các đám cháy. (Ảnh nh họa)

Theo GS. TS. Đặng Thị Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, những vụ cháy ở cơ sở sản xuất hay hộ gia đình đều tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là môi trường không khí: "Quá trình cháy sẽ sản sinh ra các loại khí độc, bụi, ví dụ như các khí CO2, NOx, SO2, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) cũng như các hạt bụi với kích thước khác nhau.

Các loại khí và bụi này sẽ theo luồng khí cháy lan tỏa vào môi trường không khí xung quan, gây tác động độc hại với con người. Cháy trong điều kiện thiếu oxy còn sinh ra một loại khí độc hơn là khí CO, NO, gây tử vong nhanh với người tiếp xúc. Những hạt bụi mịn và siêu mịn dễ xâm nhập sâu vào cơ thể người và động vật qua đường hô hấp, làm tổn thương phổi và tăng các bệnh chuyển hóa, tim mạch.

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường ở vị trí cháy mà còn ở các vị trí mà luồng khói cháy ấy lan tỏa theo chiều gió đi khắp nơi. Nếu hỏa hoạn xảy ra ở những khu vực có sử dụng hóa chất hay nguyên vật liệu thì còn phát sinh nhiều hơi khí và bụi độc hại hơn như: hơi và bụi kim loại thủy ngân, chì, kẽm, asen,…, tác động xấu và nguy hiểm đối với con người, môi trường."

PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, cũng chỉ ra vấn đề sức khỏe đáng quan tâm do ô nhiễm không khí từ hỏa hoạn: "Hít khói đen có nhiều bồ hóng, thiếu oxy, có thể làm cho bệnh nhân chết ngạt. Nếu thoát ra khỏi đám cháy thì bệnh nhân có thể bị bỏng đường hô hấp nếu nhiệt độ cao, và gây ra nhiễm trùng đường hô hấp sau đó một vài ngày, vì bỏng đường hô hấp khiến niêm mạc bị tổn thương, thậm chí phá hủy luôn cả phế quản, gây giãn phế quản, xơ, sẹo về sau.

Nếu chúng ta ở xa, hít phải khói bụi thì cũng có thể xuất hiện những đợt cấp của hen suyễn, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền có thể lên cơn ngay và có thể gây ra tình trạng suy hô hấp, thậm chí tử vong."

Quá trình cháy sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc và bụi mịn, không chỉ gây ô nhiễm môi trường ở nơi xảy ra hỏa hoạn, mà còn ở các khu vực lân cận do gió đưa khói bay đi khắp nơi. (Ảnh nh họa - Vnexpress)

Cũng theo các chuyên gia, ở những khu vực bị ô nhiễm không khí, tỷ lệ bệnh nhận mắc bệnh đường hô hấp và tim mạch thường tăng cao.

Vì vậy, PGS. TS. Trần Văn Ngọc khuyến cáo những hộ dân sống gần nơi xảy ra hỏa hoạn cần đóng kín cửa để ngăn khói xâm nhập, sử dụng thiết bị lọc không khí hoặc tạm thời di chuyển đi xa. Còn từ phía cơ quan chức năng, GS. TS. Đặng Thị Kim Chi cho rằng, khi xảy ra cháy cần giảm bụi bằng cách tích cực phun nước làm ẩm; sau cháy cần kiểm tra môi trường và sức khỏe cộng đồng để có biện pháp xử lý phù hợp với chất thải, nguồn nước,…; và cách tốt nhất là nâng cao ý thức ngăn chặn “bà hỏa”./.