Hoa giấy có phù hợp trồng ở dải phân cách đường trong đô thị?

Sau rất nhiều lần VOVGT phản ánh, thì hàng hoa giấy ở dải phân cách giữa trên đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã được cắt tỉa. Trước đó, gần 1 tháng liên tục, hoa giấy ngả ra đường, chiếm hết nửa làn đường ô tô.

Hoa giấy mọc um tùm, che khuất tầm nhìn phương tiện giao thông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ngày 2/11 vừa qua, sau rất nhiều lần VOVGT phản ánh, thì hàng hoa giấy ở dải phân cách giữa trên đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã được cắt tỉa. Nhưng trước đó, gần 1 tháng liên tục, tình trạng hoa giấy ngả ra đường, chiếm hết nửa làn đường ô tô, khiến nhiều thính giả bức xúc phản ánh: 

# Nó ra hết nữa đường, hết một nửa làn mép trái, đường đó nếu đi được là đi 3 làn ô tô, xe máy vẫn đi thoải mái, nhưng bây giờ chỉ được 2 làn rưỡi ô tô thôi, thành ra xe máy đi không được, ô tô đi không được thì xe máy phải đi lên vỉa hè.

# Dải phân cách thường không bao giờ có dải phân cách to mà đất lại không có nhiều để cây bám rễ sâu được và trồng ở giữa như vậy kể cả nó gió hướng nào nó đổ ra thì thực sự rất nguy hiểm.

# Dàn hoa giấy của các bạn ấy lâu ngày không cắt tỉa thì nó trùm ra phải đến 1 mét đến hơn 1 mét của lòng đường rồi. Mà các bạn ấy để nó gai góc, quệt qua thì xe ô tô không dám đi vào cái làn của mình được, toàn phải đi nửa làn nọ và làn kia.

Đáng chú ý, theo khảo sát của phóng viên VOVGT, hoa giấy còn được trồng ở dải phân cách nhiều tuyến phố như Trần Duy Hưng, Đại lộ Thăng Long, đường Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Trần Phú, đường Võ Nguyễn Giáp... gây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Nhiều người không khỏi băn khoăn, hoa giấy có phù hợp để trồng ở đường đô thị?

Trả lời câu hỏi này, Bà Phạm Kim Thu, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, cây hoa giấy là chủng loại cây trồng trong đô thị và phù hợp với Quyết định 19 của UBND TP. Hà Nội bởi đó là loại cây khỏe, có nhiều hoa nên tạo được cảnh quan đô thị. Để tránh ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, việc cắt tỉa phải được tiến hành thường xuyên, hàng tháng, thậm chí hàng tuần, và thực hiện vào ban đêm nếu tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông cao: "Thực ra cây hoa giấy rất phù hợp, bởi bản chất nó là cây leo, nó sinh trưởng không phải dưới tầng thấp mà trên tầng cao, khi mình duy tu và làm giàn cho cây bám lên thì nó sẽ trên tầng cao và hoàn toàn không ảnh hưởng đến giao thông."

TS Phạm Anh Tuấn, Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, cây hoa giấy dễ phát triển trong điều kiện ít đất nên được phép trồng trong đô thị để trang trí cho đường phố. Nhưng do đặc tính phát triển nhanh, nên hoa giấy cần được chăm sóc, cắt tỉa liên tục:

"Thực tế với đường phố thì hoa giấy là cây tốt, ra hoa mà lại không phải chăm sóc. Tất nhiên một trong những tiêu chí trông cây đường phố là phải an toàn thì cái đấy là phải giải pháp kỹ thuật như thế nào để khống chế cây phát triển hoặc có định hướng."

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cây xanh trên địa bàn Hà Nội cho biết, với các dự án trồng cây xanh trên địa bàn Hà Nội, sau khi được các quận thực hiện sẽ bàn giao về Thành phố, sau đó Sở Xây dựng Hà Nội sẽ giao cho các đơn vị có chức năng chăm sóc, duy tu, nếu đơn vị nào chậm trễ trong việc cắt tỉa, chăm sóc, Thành phố sẽ căn cứ vào hợp đồng để xử phạt:

"Các đơn vị được giao duy trì là phải cắt tỉa. Chúng tôi cũng mọt là thông qua thông tin báo chí hai là kiểm tra thực tế chúng tôi cũng yêu cầu họ thực hiện."

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, giàn hoa giấy trên đường Nguyễn Hoàng do Ban Quản lý dự án quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư và hiện chưa được bàn giao về Thành phố. Việc để hoa giấy chìa ra đường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông thuộc trách nhiệm của UBND quận Nam Từ Liêm.

Vị đại diện này cũng đề nghị quận Nam Từ Liêm sớm bàn giao các dự án trồng cây xanh trên địa bàn về Thành phố để quản lý, duy tu, duy trì một cách thống nhất./.