Hít hà hương cốm giữa lưng chừng trời

Người ta vẫn nói, không ai có được hết tất cả mọi thứ, thế nhưng với người Yên Bái lại khác. Gần như mảnh đất này có tất cả mọi thứ mà ít nơi nào có được. Từ điều kiện địa lý đến con người nơi đây đều được thiên nhiên ưu đãi đến lạ kỳ...

Từ cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, tới con người đều mang những nét đẹp dịu dàng khó quên. Từ những thửa ruộng bậc thang óng vàng mùa gặt, tới những cô gái Thái có làn da trắng mịn, mái tóc đen dài óng ả. Nếu "chẳng may" được ghé qua vùng đất Yên Bái, hẳn không dễ gì quên được những ấn tượng dịu dàng ấy.

Sau những mải mê với cảnh vật, con người... hẳn ai cũng phải trầm trồ ghi nhớ những sản vật của riêng Yên Bái mới có. Từ gạo nếp Tan (Tú Lệ), xôi ngũ sắc, tam sắc (Nghĩa Lộ, Văn Chấn), táo mèo (Mù Căng Chải), chè San Tuyết Suối Giàng, bưởi Đại Minh, cam Lục Yên, quế Văn Yên, lạp cá Mường Lò, cá hồ Thác Bà,...

Và một trong những sản vật ấy mà ai qua Tú Lệ, Yên Bái cũng phải dừng chân hít hà thưởng thức - đó là món Cốm Tú Lệ lừng danh...

Mà, mùa cốm Tú Lệ ngắn lắm, chỉ độ hơn chục ngày là hết. Khi sắc vàng mùa thu trải đều trên những sườn núi xanh mướt, dát vàng trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như lưng eo những cô gái Thái mới vừa đôi sáu... ấy là lúc người Tú Lệ rủ nhau ra ruộng hái từng bông lúa ngậm sữa mới vừa uốn câu, sắc vẫn còn xanh mướt mang về tuốt, rang, giã, sàng... cho ra những hạt cốm thơm lừng, xanh mướt.

Để làm ra những hạt cốm xanh thơm nức mũi, ngầy ngậy phải rất kỳ công, mất nhiều công sức...
Các cô gái Thái phải dậy thật sớm, từ lúc những giọt sương đêm chưa kịp tan dưới ánh ban mai, họ đã phải vác gùi ra đồng. Mỗi người 1 chiếc gùi trên lưng, tay cầm liềm nhỏ, cẩn thận lựa chọn cắt từng bông lúa...
Chỉ cần nhìn sự tỉ mẩn trong việc lựa chọn cắt từng bông lúa của họ cũng đủ thấy rằng, việc được cẩm trên tay một nắm cốm Tú Lệ, hít hà rồi thưởng thức đã là 1 sự may mắn đối với những du khách phương xa...
---
Mùa cốm Tú Lệ bắt đầu từ tháng 9, khi những bông lúa vừa uốn câu, da vẫn còn mang màu xanh mướt của lá, hạt ngậm đây sữa non... chỉ chần chờ 1-2 tuần không thể đến Tú Lệ là đã phải tiếc nuối chờ đợi tới năm sau...
Những bông lúa được tuốt sau một buổi sáng hái từng bông...
Sau đó được cho vào chảo rang đều

 

Mỗi ngày, trung bình 1 gia đình chỉ có thể sản xuất được từ 10-20kg cốm, tùy vào số lượng người tham gia làm cốm
Dù kỳ công là thế, nhưng giá thành khá rẻ, 1kg cốm Tú Lệ được bán với giá 100 ngàn đồng. Với người Tú Lệ, số tiền kiếm được không quan trọng, mà điều quan trọng nhất với họ, đó là để lại trong lòng du khách ấn tượng về 1 sản vật có một không hai của họ... Chỉ cần du khách nhớ, chỉ cần du khách đó khi có dịp quay lại vẫn nhớ hương cốm mà dừng chân thưởng thức, ấy đã là niềm tự hào rất lớn đối với họ rồi...
Sau khi rang những hạt lúa mới tuốt, là đến công đoạn giã để tách vỏ trấu khỏi hạt gạo non
Công đoạn cũng cần rất nhiều công sức để hạt gạo vừa đủ tách khỏi vỏ trấu mà không bị giập nát
Chồng giã vợ dùng cây đũa lớn đảo luôn tay...
---
---
---
Sau đó là đến công đoạn sàng loại bỏ vỏ trấu...
cho ra những hạt cốm xanh mướt, thơm lừng
Việc chế biến cốm, quan trọng nhất đó là ngay sau khi cắt bông lúa phải làm ngay, nếu để lâu hạt cốm sẽ mất ngon
Giờ đây, dọc ven đường đi qua Tú Lệ, du khách hoàn toàn có thể dừng chân để trải nghiệm toàn bộ công đoạn làm cốm, từ việc cắt lúa, tới tuốt lúa, rang, giã, sàng... để cho ra sản phẩm là những hạt cốm đặc sản Tú Lệ nức tiếng gần xa...
Một trải nghiệm không thể nào quên đối với du khách khi được tận mắt chứng kiến đủ công đoạn làm cốm, tận tay chạm vào những hạt cốm "mới ra lò", hít hà hương cốm mới thơm lừng và nhấm nháp vị ngầy ngậy của những hạt cốm còn nóng hổi hương vị núi rừng...