Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Sau sự cố cây phượng bật gốc đè chết một học sinh và làm nhiều học sinh khác bị thương xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TPHCM) vào sáng ngày 26/5 vừa qua, nhiều công sở, trường học trên địa bàn TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đã tiến hành kiểm tra, rà soát và cắt tỉa cây xanh.
Đáng chú ý là nhiều đơn vị đã đốn bỏ cây phượng và một số cây xanh khác mà chưa qua các bước kiểm tra, đánh giá thực trạng những cây xanh này. Người đại diện của các trường học, đơn vị có cây xanh bị đốn hạ lý giải việc này là do không muốn tái diễn cảnh tượng cây xanh bật gốc gây thương tích cho mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, rất nhiều học sinh, phụ huynh và một bộ phận người dân tỏ ra không đồng tình trước việc làm này của các trường học, các đơn vị liên quan. Với họ, việc đốn bỏ vô tội vạ cây phương hay cây xanh sau sự cố xảy ra ở trường Bạch Đằng là cực đoan, thiếu cân nhắc:
"Giờ thể dục hoặc ra chơi, sinh hoạt cũng cần bóng mát để các em chạy, chơi. Chứ nắng như ngoài này sao học sinh chịu nổi. Cưa là cưa ít thôi, phải chừa lại một chút để có bóng mát để mấy đứa nhỏ tập thể dục. Chứ đừng cưa hết. Vì cưa hết trường nắng quá học sinh học sẽ không nổi".
"Phượng nó là ký ức của tuổi học trò, làm như vậy thì học sinh mất hết bóng râm, như vậy toàn là trường trọc không à. Ngoài cái việc chặt bỏ thì còn có nhiều cách để giữ lại cây phượng mà".
"Em hay chơi bóng rổ dưới đó. Em thấy nó trống vắng, chứ không mát như lúc trước nữa. Tiếc... tiếc lắm, nhìn nó không như trước bây giờ bị chặt hết chỉ còn le que vài nhúm chẳng còn gì nhiều".
"Không hẳn là tất cả những cái cây đều có vấn đề để mà mình phải chặt bỏ hàng loạt như vậy thì sẽ rất là uổng. Tại vì mình trồng một cái cây thì nó rất là khó, mất bao nhiêu năm mới có được. Thành phố mình, hay kể cả cả nước thì lượng cây xanh rất là ít".
Ông Trần Viết Mỹ - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp TPHCM cho rằng dù có sự cố đáng tiếc nhưng cũng không nên vì thế mà chặt bỏ đồng loạt cây phượng trong sân trường bởi đây là loại cây khá an toàn với nhiều địa điểm và gắn liền với tuổi học trò. Ông Mỹ chỉ ra rằng hầu hết các sân trường hay công sở ở đô thị đều tráng một lớp bê tông dày, điều này khiến bộ rễ cây phượng bị ếm khí, lâu ngày sẽ còn trơ mỗi gốc, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể ngã đổ bất kỳ lúc nào. Ông Mỹ cho biết thêm:
"Có sai ở đây là xem lại từ cách trồng, cách chăm sóc rồi bảo dưỡng hàng năm, định kỳ. Cho nên không nên vì một cây ngã đổ mà đi đốn toàn bộ hoặc tỉa quá mạnh chỉ còn cành trơ, không có gì thẩm mỹ cả".
Dù tỏ ra thông cảm với mục đích “đảm bảo an toàn cho học sinh” của các trường học nhưng ông Hứa Văn Sắc, người có hơn 30 năm gắn bó với cây xanh khi còn công tác ở Công ty Công viên cây xanh TPHCM cho rằng không nên đốn hạ cây phượng hay cây xanh hàng loạt. Thay vào đó thì nên chọn những loại cây phù hợp hay sử dụng các trụ đỡ bằng kim loại để hạn chế cây ngã đổ bất kỳ lúc nào. Ông Hứa Văn Sắc gợi ý:
"Dạng cây phượng như vậy, vừa giữ an toàn mà vẫn đảm bảo mảng xanh của trường. Giờ trường nào cũng cắt hết, nhiều quá lại xót. Nhiều cây nhìn bình thường nhưng ở dưới mình không kiểm soát được, thời tiết bình thường thì tính được chứ giông lốc không tính được".
Trước những phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân và giới khoa học cây xanh, chính quyền các địa phương đã phải can thiệp và yêu cầu các đơn vị trực thuộc dừng ngay việc đốn hạ hàng loạt cây phượng và các cây xanh khác. Thay vào đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng cây xanh để có hướng xử lý phù hợp.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây Dựng TPHCM khẳng định:
"Chúng tôi sẽ kiểm tra khả năng ngã đổ, xâm hại của các cây xanh này, sau đó có kế hoạch mé, tỉa nhánh giữ cho cây đứng vững chứ không có chủ trương đốn hạ toàn bộ cây xanh mà chúng ta tốn nhiều công sức mà đã động viên người dân, thầy cô giáo, học sinh trồng trong thời gian vừa qua".
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết:
"UBND các phường chịu trách nhiệm vận động, chỉ đạo các phòng giáo dục rà soát cây xanh trong khuôn viên, vỉa hè lân cận trường, kể cả trường công và trường tư thục. Quận sẽ chỉ đạo cho Phòng Quản lý đô thị để hỗ trợ các trường xử lý cây xanh tránh nguy cơ ngã, đổ".
Rõ ràng, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa gia tăng thì việc tìm giải pháp để làm sao vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa duy trì và phát triển mảng xanh là nhu cầu bức thiết mà các cấp các ngành có liên quan cần dành sự quan tâm đúng mức.
Những tầng ký ức của học sinh bị đốn hạ vì tư duy né tránh trách nhiệm của người lớn
Rõ ràng, việc đốn hạ hàng loạt cây phương và các cây xanh khác trong khuôn viên sân trường, các khu vực công cộng là việc làm có tính chất cực đoan, cần phải sớm dừng lại và có những điều chỉnh phù hợp. Không thể tiếp tục chăm sóc, quản lý cây xanh trong trường học nói riêng và tại các khu vực công cộng nói chung bằng thói quen hay tư duy quản lý kiểu cũ, mà cần dựa vào các cơ sở khoa học chính xác, mang tính bền vững lâu dài.
Cảnh tượng vô số cây phượng tại các sân trường, khuôn viên các công sở bị đốn hạ hàng loạt những ngày qua thực sự đã khiến dư luận không thể hài lòng. Họ bức xúc bởi cách hành xử có phần vội vàng, cực đoan của một số cá nhân, tập thể đã bức tử những mảng xanh vốn đã ít ỏi giữa những bức tường bê tông dày đặc. Nói không ngoa rằng cây phượng nói riêng và nhiều cây xanh khác nói chung đã bị tận diệt theo phương châm “thà chặt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Không thể phủ nhận rằng, sự cố cây phượng bật gốc vào sáng ngày 26/5 vừa qua khiến một số học sinh thương vong là sự cố bất khả kháng, không ai mong muốn. Tâm lý cảnh giác, ngăn ngừa nguy cơ tương tự xảy ra là điều cần thiết, nhưng việc đốn hạ hàng loạt, chặt đến trống trơn sân trường giữa cái nắng hè thiêu đốt là cách làm thái quá cần có những động thái điều chỉnh kịp thời.
Phải khẳng định rằng, những cây phượng không có lỗi khi xảy ra sự cố ngã đổ mà lỗi lớn nằm ở việc chăm sóc, quản lý của các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý hữu quan.
Ở hầu hết khuôn viên các trường học, công sở, bê tông hoá đã che lấp các khoảng đất hở khiến cây cối khó sinh trưởng, phát triển, rễ cây bị thối. Không những vậy, nhiều nơi thay vì ươm trồng cây từ nhỏ lại chọn cách mang những cây đã to lớn với bộ rễ bị cắt ngắn về trồng nên cây không có khả năng đứng vững khi có mưa to gió lớn...
Hơn thế nữa, việc theo dõi kiểm tra sức khỏe của cây xanh hiện nay hầu như chỉ dựa trên kinh nghiệm và thói quen mà chưa được trang bị các thiết bị chuyên dùng cần thiết. Không chỉ vậy, các quy định, tiêu chuẩn về loại cây, quy trình quản lý, thời hạn phải loại bỏ cây trong các khuôn viên trường học, công sở vẫn chưa được nh định một cách rõ ràng.
Câu chuyện hàng loạt cây phượng bị đốn hạ là tiêu biểu cho cách xử lý rủi ro theo hướng cực đoan. Cách hành xử này thể hiện tâm lý né tránh trách nhiệm và tư duy quản lý lỗi thời, thiếu nền tảng kiến thức khoa học cần thiết.
Đã đến lúc các cơ quan hữu trách cần thay đổi tư duy trong quản lý chăm sóc cây xanh. Cần nhanh chóng chuẩn hóa các quy trình lựa chọn, gieo trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh dựa trên các cơ sở khoa học chính thống, các thiết bị chuyên dùng lẫn những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi quản lý cây xanh cũng như quản lý bất kỳ lĩnh vực hay đối tượng nào khác, đều phải dựa trên nền tảng kiến thức đúng đắn để đưa ra cách ứng xử phù hợp.
Những chùm phượng thắm rực đỏ đầu hè như những tầng ký ức không thể phai mờ của rất nhiều thế hệ nhà giáo, học sinh Việt.
Bảo tồn một cách có khoa học và trách nhiệm đối với cây phượng hay các loại cây xanh khác không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị tinh thần quý giá mà còn tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái trong bối cảnh môi trường ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng.
Đẩy đẩy hết trách nhiệm cho cây phượng để rồi “xuống tay không thương tiếc”! Đừng để sân trường ngày càng trụi bóng cây xanh và đừng để những năm tháng học trò trôi qua một cách mờ nhạt mà thiếu đi sắc đỏ của chùm phượng vĩ!