Nghe nội dung chi tiết tại đây:
'Tôi cho rằng việc phục hồi đi lại bằng đường hàng không giữa các vùng trong nước là cực kỳ quan trọng. Việc họp online là xu hướng, tuy nhiên không gì có thể thay thế được việc gặp gỡ, tiếp xúc bàn công việc.
'Tôi cho rằng việc thực hiện giải pháp hộ chiếu vaccine là vô cùng cần thiết để mở cửa dần nền kinh tế, thuận tiện cho việc đi lại, giao thông thương mại trong thời kỳ mới'
Sớm nối lại các đường bay và tạo điều kiện đi lại thông qua hộ chiếu vắc xin hay còn gọi là thẻ xanh vaccine là mong mỏi của người dân, doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất sau nhiều tháng đóng băng do đại dịch.
Theo ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không nếu mạch máu giao thông bị đình trệ không chỉ riêng ngành hàng không đứng bên bờ vực phá sản mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho những ngành liên quan, đặc biệt là du lịch. Vì thế việc sớm mở lại các đường bay trong nước và quốc tế là tất yếu.
Các nước trên thế giới họ đã dùng chứng chỉ xanh – hộ chiếu vaccine, những người đó họ đã ễn dịch rồi nên theo tôi cần phải gấp rút mở lại các đường bay quốc nội cũng như quốc tế, nhưng phải quán triệt tinh thần chống lây nhiễm, kiểm tra gắt gao và có những thay đổi phù hợp để bảo vệ thành quả.
Đồng quan điểm này, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về du lịch và hàng không cho rằng, hộ chiếu vắc xin đã trở thành xu thế toàn cầu, VN không nằm ngoài xu thế đó. Đến hết ngày 20/9 VN có hơn 35 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó hơn 6 triệu 783 nghìn người tiêm đủ 2 mũi, đây là nguồn lực vô cùng quý giá, không thể lãng phí. Vì thế cần sử dụng ngay hộ chiếu vắc xin để phục hồi thị trường hàng không và du lịch nội địa, tiến tới mở cửa thị trường quốc tế.
Thứ nhất tạo điều kiện tối đa cho người VN di chuyển nội địa, bằng phương tiện máy bay và các phương tiện khác bằng thẻ xanh. Thứ hai ưu tiên cho người VN ở nước ngoài đã có thẻ xanh vắc xin về nước, không phải cách ly.
Thứ ba người nước ngoài vào VN vì mục đích phi du lịch phải được tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục lại hoạt động kinh tế, đầu tư.
Thứ 4 là du khách quốc tế, cần cẩn trọng hơn, nhưng không nên cẩn trọng quá đến mức trì hoãn lại quá trình phục hồi của thị trường.
Việc khôi phục lại thị trường vận tải hàng không thông qua kiểm soát bằng hộ chiếu vắc xin là xu thế tất yếu trong bối cảnh vừa mở cửa vừa phòng chống dịch. Trong đó, Bamboo Airways là hãng hàng không tiên phong tham gia thử nghiệm việc kiểm soát hộ chiếu vaccine với Hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA (IATA Travel Pass). Ngày 23/9 hãng này sẽ chính thức thử nghiệm Hộ chiếu sức khoẻ điện tử IATA trên chuyến bay thẳng không dừng đến Mỹ đầu tiên.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó TGĐ thường trực BamBoo Airways khẳng định, đơn vị luôn kiên định mục tiêu phát triển đội bay, đầu tư bổ sung các dòng máy bay mới, mở rộng mạng đường bay nội địa và quốc tế. Đồng thời, thực hiện quy trình bảo dưỡng máy bay nghiêm ngặt theo yêu cầu của nhà sản xuất; duy trì các chứng chỉ của người lái và tiếp viên, kể cả khi dừng bay vẫn phải đưa đội ngũ nhân sự ra nước ngoài đào tạo, nhằm duy trì năng định về bằng cấp, sẵn sàng cho kịch bản phục hồi.
Ngày 19/8 chúng tôi chính thức bay thử nghiệm thành công chuyến bay đầu tiên bằng máy bay phản lực đi đến sân bay Điện Biên.
Đây là dấu mốc trong lịch sử vận tải hàng không, vì lần đầu tiên máy bay phản lực hạ cánh xuống sân bay Điện Biên, mở ra cơ hội vào ngày 29/9 chúng tôi sẽ bắt đầu bay thương mại đầu tiên bằng máy bay phản lực thẳng từ Hà Nội đến Điện Biên và lần lượt sẽ tiếp tục mở các đường bay từ các địa phương khác đến Điện Biên.
Đặc biệt chúng tôi đang mong chờ một đường bay lịch sử giữa TP. HCM và Điện Biên Phủ.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quân, nhân sự là yếu tố quyết định nên kể cả trong thời gian dừng bay, vì thế đơn vị vẫn duy trì đội ngũ nhân sự, thậm chí tuyển bổ sung một số vị trí mới chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi. Đồng thời tăng cường huấn luyện đào tạo theo tư vấn nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Còn đối với Vietnam Airlines cũng đã chuẩn bị nhiều kịch bản, lộ trình khôi phục mạng bay; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như kích cầu nhằm chủ động, sẵn sàng đón đầu khi thị trường phục hồi. Dù kịch bản nào thì Vietnam Airline luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, an toàn trong khai thác và an toàn phòng chống dịch bệnh. Vietnam Airlines đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 này sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 100% cán bộ công nhân viên.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông, Vietnam Airlines chia sẻ:
Về nguồn lực đã chuẩn bị sẵn sàng, từ việc chuẩn bị tháo dỡ những máy bay hiện đang bảo dưỡng cho đến phi công, tiếp viên, các chính sách về dịch vụ, thương mại liên quan đến kích cầu và đang làm việc kĩ với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch VN và tỉnh Kiên Giang để sớm triển khai theo hướng mà Chính phủ đang chỉ đạo, thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào Phú Quốc. Đây là sự đột phá và cũng là thử nghiệm để sớm mở lại, kể cả đường bay nội địa cũng như đường bay quốc tế.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện VN vẫn đang ở giai đoạn dịch khá cao, tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp và cơ sở dữ liệu về tiêm chủng còn hạn chế. Vì thế mở việc cửa hàng không phải thật thận trọng, cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, trong đó đặc biệt lưu ý về kiểm soát dịch bệnh.
Tất cả quy trình đón nhận khách, kiểm soát cách ly, các chi phí liên quan phải được làm rõ, thông nhất với từng đối tác cụ thể, thậm chí từng chuyến bay và cần phải có thông tin rộng rãi, kết nối giữa ngành hàng không với các địa phương. Tránh trường hợp thông tin bị cô lập, không có sự kết nối, địa phương bị lúng túng khi đón nhận khách dù là được phép.
Hiện một số tỉnh thành phố đã bắt đầu tiếp nhận các chuyến bay sử dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử, trong đó Phú Quốc sẽ đón khách du lịch vào đầu tháng 10 tới. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường hàng không và du lịch đang từng bước hồi phục.
Tuy nhiên kế hoạch mở cửa đến đâu, với những điều kiện gì cần được công bố và đưa vào áp dụng sớm, tránh lãng phí nguồn lực. Đó cũng là góc nhìn của VOVGT : “Hộ chiếu sức khỏe điện tử - điều kiện cần để phục hồi hàng không”.
Theo Cục Hàng không VN, kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đang trình Bộ GTVT. Theo đó, các hãng hàng không được chủ động tổ chức vận chuyển khi thay đổi quy định giãn cách xã hội tại các địa phương.
Kế hoạch được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vận chuyển khách thực hiện công vụ, nhân viên y tế, nhân viên làm nhiệm vụ phòng chống dịch, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hành khách đủ điều kiện về phòng chống dịch.
Trong đó, người điều khiển phương tiện, nhân viên hàng không tham gia phục vụ chuyến bay đều phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine; tổ bay bảo đảm duy trì năng định theo quy định; tổ bay và hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi thực hiện chuyến bay.
Trong khi chờ kế hoạch này được phế duyệt, ngày 18/9 sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ đợt dịch lần thứ 4. Trước đó, Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thành công 4 chuyến bay đi, đến VN, trong đó có 2 chuyến từ Mỹ đến Vân Đồn, trên cơ sở triển khai thí điểm hộ chiếu sức khỏe điện tử. Hãng này cũng sắp nhận giấy phép bay thẳng thường lệ đến Hoa Kỳ sau gần 20 năm chuẩn bị.
Đặc biệt, ngày 23/9 tới Bamboo Airways sẽ thực hiện chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa VN và Mỹ thông qua hộ chiếu vaccine. Trước đó hãng này đã được Cục An ninh vận tải Mỹ cấp phép 12 chuyến bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ từ nay đến tháng 11. Ngày 29/9 tới hãng này cũng sẽ thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ Hà Nội tới Điện Biên bằng máy bay phản lực, khắc phục một phần hạn chế về điều kiện hạ tầng, thời tiết tại khu vực này.
Các chuyên gia cho rằng, để khôi phục thị trường hàng không phải sớm đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu những người đã được tiêm chủng thông qua “thẻ xanh vaccine”. Đây là chìa khóa giúp nhà nước quản lý, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tránh lãng phí nguồn lực và tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục hồi các đường bay.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét có cơ chế hỗ trợ đặc thù, bởi sau sau gần 2 năm “đóng băng” các hãng hàng không gần như đã “kiệt sức”. Trong đó, cần tiếp tục hoãn, giãn đóng các loại thuế; kéo dài thời gian giảm phí cất hạ cánh sau khi mở cửa trở lại.
Đồng thời, hỗ trợ về quy trình xuất nhập cảnh đối với lực lượng thợ kĩ thuật, phi công, tiếp viên đi nước ngoài để học tập, giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí và duy trì nguồn lực trong giai đoạn hậu mở cửa.