Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng một mình công cụ thuế, mục tiêu này liệu có đạt được hay cần phải sử dụng thêm nhiều công cụ khác?
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện tài chính xung quanh nội dung này.
PV: Trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá theo lộ trình tăng từng năm. Theo ông, phương án và lộ trình đưa ra như vậy có phù hợp?
PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Việc tăng thuế thuốc lá là một trong những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế cũng như của Bộ y tế khá lâu rồi, vì giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác. Lần này ngoài việc áp dụng thuế suất thuế tỷ lệ, người ta áp dụng thêm thuế suất thuế tuyệt đối đối với thuốc lá.
Đây là phương pháp đánh thuế hỗn hợp kết hợp cả thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người sản xuất, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất áp dụng thuế một cách từ từ. Đây cũng là cách để hạn chế những ảnh hưởng và thị trường thích ứng.
Tôi nghĩ rằng việc tăng thuế từ từ như vậy cũng hợp lý vì giá thuốc lá của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn tương đối thấp.
Tuy nhiên có một nội dung chưa nhất quán là có đánh thuế đối với thuốc lá điện tử hay không. VD như Bộ Y tế là cấm hẳn luôn, nhưng một số ý kiến cho rằng vẫn đánh thuế thuốc lá điện tử. Trong Dự thảo lúc đầu có đề cập đến nhưng sau đó không đề cập đến thuốc lá điện tử.
Tôi cho rằng lịch trình như vậy cũng phù hợp, thậm chí có thể tăng hơn. Bởi vì với mức tăng như vậy, vào năm 2026, mức tăng như vậy không làm giá thuốc lá tăng lên nhiều mà nó phải có một giai đoạn nhất định rồi mới tăng lên.
PV: Cũng trong Dự thảo này, đưa ra 2 đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, vậy sự khác biệt giữa 2 phương án đưa ra là gì?
PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Chủ yếu là mức đánh thuế tỷ lệ và mức thuế suất tuyệt đối, người ta cân nhắc giữa 02 phương án để xem mức nào cao hay thấp. Vì, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ngoài việc để chống hút thuốc lá còn tính đến thu ngân sách và hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu mà đánh thuế cao có thể gây ra những tác động tới doanh nghiệp, của người sản xuất tiêu dùng hoặc làm gia tăng hoạt động buôn lậu, cho nên người ta cân nhắc giữa 2 phương án.
PV: Nếu như các quy định của Bộ Tài chính đưa ra ở trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá thì nó có thể tác động như thế nào đến thu ngân sách, hoạt động của các doanh nghiệp?
PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Việc dự báo rất khó. Về lý thuyết, đánh thuế tăng lên thì thu ngân sách tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào cũng như thế. Đánh thuế tăng có thể khiến hoạt động của doanh nghiệp kém đi, trong khi hoạt động buôn lậu lại nhiều hơn làm cho số thu không tăng nhiều.
Thứ hai, chắc chắn sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua thuốc lá. Chính phủ và các bên liên quan hy vọng đánh thuế nhiều hơn, người dân sẽ hút thuốc ít đi. Tuy nhiên đấy cũng là thách thức, vì trên thực tế, thuốc lá là một chất gây nghiện, họ có thay đổi hành vi không thì cần có thời gian không thể ngay lập tức được
Vấn đề buôn lậu chúng ta hết sức lưu ý, vì Việt Nam có biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, có rất nhiều thuốc lá lậu nhập vào qua con đường này. Vì vậy cùng với việc đánh thuế cần triển khai các biện pháp chống buôn lậu đối với thuốc lá, nếu không, đánh thuế, doanh nghiệp sản xuất trong nước bị ảnh hưởng và buôn lậu vẫn có.
Tôi cho rằng nếu chúng ta làm tốt cả việc đánh thuế và kiểm soát buôn lậu thì sẽ góp phần tăng thu ngân sách và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với việc sử dụng thuốc lá.
PV: Xin cảm ơn ông!