Hầm chui Lê Văn Lương: Cần tổ chức đồng bộ, tránh nguy cơ thông chỗ nọ, ùn chỗ kia

Hầm chui Lê Văn Lương được thông xe sáng 5/10 sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông cho nút giao với Vành đai 3. Tuy nhiên, cần có tính toán, tổ chức giao thông hợp lý để khai thác được tối đa hiệu quả, tránh dồn áp lực giao thông khi giải tỏa chỗ này lại dồn ùn tắc sang chỗ khác.

Trục đường Tố Hữu, Lê Văn Lương thường xuyên đông đúc, ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm (Nguồn: Fanpage VOV Giaothong)

Ngay từ khi công trình trong giai đoạn hoàn thiện, rào chắn hai bên được dỡ bỏ và mặt đường được hoàn trả, việc lưu thông qua trục Tố Hữu - Lê Văn Lương được thuận lợi hơn thì theo anh Dương Quang, tình trạng ùn ứ giao thông đã xuất hiện nhiều hơn tại các nút giao lân cận: "Khi các xe đi từ Khuất Duy Tiến rẽ phải vào bị gặp nút thắt cổ chai thì bị dừng và ùn lại. Đồng thời hai nút đèn đỏ phía trên là nút giao với Nguyễn Chánh và Hoàng Đạo Thúy thường xuyên đông do xung đột giao thông, tạo cho mình cảm giác khu vực này luôn đông và ùn ứ".

Ông Phạm Trọng Nhi, Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình giao thông 2 nhận định, dọc đường Lê Văn Luong - Tố Hữu có nhiều ngã ba, lòng đường khá hẹp, lại có làn dành riêng cho xe BRT. Do đó, khi việc lưu thông qua hầm chui nhanh hơn thì các khu vực lân cận như Hoàng Minh Giám, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Trung Văn, Vũ Trọng Khánh…sẽ có thể gánh chịu áp lực giao thông lớn hơn.

"Tuyến đường này mật độ giao thông luôn rất đông, khi thông xe sẽ giải tỏa được nút giao thông này. Tuy nhiên, nó chỉ giải tỏa được nút này chứ không thông được toàn tuyến. Sau khi hầm chui được thông, tình hình giao thông tại các nút kế cận ra sao, chúng tôi sẽ đánh giá để có phương án tổ chức giao thông hợp lý", ông Nhi khẳng định.

Các chuyên gia giao thông cũng phân tích,  hầm chui Lê Văn Lương sẽ phát huy tác dụng rất lớn cho cả khu vực, nhưng cũng sẽ đẩy áp lực giao thông về hai phía. Dòng chảy phương tiện sẽ tiến sát nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Trong khi khả năng tiếp nhận, giải tỏa áp lực của nút lại cực kỳ khiêm tốn.

Do đó, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, rất cần tính toán trước phương án đồng bộ năng lực lưu thông cho khu vực này với những hướng dẫn cụ thể: "Trước hết cần hướng dẫn trong giai đoạn đầu từ lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông về hướng đi, cách thức di chuyển cho người dân. Sau đó khi luồng giao thông ổn định rồi thì đếm xe, đếm thời gian chờ tại từng nút giao thông theo từng hướng để có phương án điều chỉnh đèn tín hiệu để giảm thời gian chờ đợi".

Lượng phương tiện dồn về phố Hoàng Minh Giám tăng cao trong những ngày gần đây (Nguồn: Fanpage VOV Giaothong)

Các chuyên gia cho rằng, Thành phố có thể xem xét triển khai một dự án cầu vượt nhẹ theo hướng trực thông trên đường Hoàng Minh Giám, vượt qua nút giao với đường Lê Văn Lương. Như vậy sẽ góp phần đồng bộ và tăng cường hiệu quả tổ chức giao thông cho cả khu vực.