Khoan giếng, sửa giếng và khoan giếng - Đó là hình sơn quảng cáo phổ biến tại khu đất dịch vụ 6,9ha, xã Vân Canh, phần nào phản ánh “cơn khát” của bà con nơi đây. Chỉ tay về bồn nước cóng vàng, ông Bùi Đức Toản cho biết, chưa có nước sạch, các hộ dân buộc phải sử dụng nước giếng khoan trong trạng thái phấp phỏng, lo âu:
"Giếng khoan của bà con ở đây chỉ lấy được tầm vài chục mét, cũng giống như các khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung, đầu tiên là việc nó nhiễm sắt rất nhiều, sử dụng trực tiếp thì chắc chắn không được vì nó rất mùi và bám bẩn. Đầu tư một hệ thống lọc thì đắt và nó cũng có thời gian nhất định thôi, chỉ là ngắn hạn và giải pháp tình thế. Thứ hai, nguyên tố vi lượng như arsen chẳng hạn, không ai kiểm nghiệm, bà con vẫn phải chấp nhận sử dụng nguồn nước như thế."
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay từ khi chuyển về khu đất dịch vụ 6,9ha sinh sống từ năm 2018, người dân đã nhận thấy nước giếng khoan bị ô nhiễm với mùi tanh đặc trưng khi bị nhiễm sắt và các dụng cụ, bể chứa cóng vàng sau một thời gian sử dụng. Một số gia đình phải mua nước đóng bình, hoặc dòng đường ống dẫn nước sạch từ các xóm lân cận về dùng cho việc ăn uống, áp lực nước yếu, giá cao lên tới 38.000 - 40.000 đồng/m3. Còn các nhu cầu khác thì dù ít dù nhiều vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Chị T. T. H. chia sẻ:
"Nhà chị cũng đang dùng nước giếng khoan, nó chỉ được một thời gian là tắc, hỏng, không lên nước. Nước rất là tanh những vẫn phải sử dụng, rồi chi phí sửa giếng cũng mất mấy triệu, nhưng còn ảnh hưởng sức khỏe thì mình không nhìn thấy cơ. Giặt áo đồng phục trắng của con mà so với các bạn được dùng nước sạch là cô giáo góp ý là không nên để áo bị ố màu, ảnh hưởng mỹ quan chung."
Theo các chuyên gia, nguồn nước ngầm, trong đó có nước giếng khoan, đang ngày càng ô nhiễm do các hoạt động khai thác, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của con người. Vì vậy, giải pháp triệt để nhất để đảm bảo an toàn cho người dân là cung cấp nước sạch.
Hiện huyện Hoài Đức có 46 dự án đất dịch vụ được quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khu đất dịch vụ 6,9ha chưa có hệ thống nước sạch tập trung do suất vốn đầu tư hạ tầng không quá 810.000 đồng/m2, gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, chưa thu xếp được nguồn vốn.
Mòn mỏi chờ nước sạch, người dân chấp nhận tự bỏ tiền, chung tay đóng góp hạ tầng nhưng lại thiếu hành lang pháp lý. Chị T. T. H. cho biết, ban đại diện khu dân cư kêu gọi mọi người góp tiền và cho biết đã có sự đồng thuận của chính quyền, tuy nhiên chưa có một văn bản chính thức nào.
Số tiền đóng góp 12,5 triệu đồng/hộ được đưa ra dựa trên căn cứ nào? Người dân xây dựng hạ tầng thì sau này có được khấu trừ vào tiền nước sử dụng hàng tháng không? 140 hộ dân đang sinh sống đóng tiền trước, số còn lại trong 463 hộ theo quy hoạch sau này đóng tiền thế nào?
Nếu sau này hoàn một phần tiền cho người đóng trước thì ai giám sát? Không có văn bản cấp phép, nếu đào đường, thi công xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm?… Chị H. mong chờ trách nhiệm của chính quyền xã Vân Canh, huyện Hoài Đức và công ty nước sạch Tây Hà Nội, tránh gây mất đoàn kết trong khu dân cư vì những thông tin không rõ ràng, chính thống.
Nhiều đơn thư phản ánh đã được gửi đi, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, nhưng “cơn khát” tại khu đất dịch vụ 6,9ha Vân Canh vẫn giống như 6 năm trước. Người dân hàng ngày vẫn phải dùng nước giếng khoan ô nhiễm và đếm từng ngày chờ chính quyền giải quyết.