Hà Nội: Quy hoạch và xây dựng Bến xe khách Yên Sở

VOVGT - Bến xe khách Yên Sở đã được xác định trong đồ án quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050...


Quy hoạch xây dựng Bến xe Yên Sở được đánh giá là bước đi trung hạn, giảm tải trực tiếp cho các bến xe hiện tại như Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm (Ảnh nh hoạ)

Trên cơ sở tiếp thu hoàn chỉnh ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố và thông báo thẩm định của Hội đồng thẩm định Quy hoạch xây dựng trên địa bàn Thành phố, đồ án quy hoạch đã được Ban cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo Thường trực Thành Ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến thông qua. Hiện nay, đồ án quy hoạch này đang được khẩn trương triển khai các thủ tục hoàn thiện để làm cơ sở báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2018.

Về quy hoạch và định hướng xây dựng Bến xe khách Yên Sở

Bến xe khách Yên Sở đã được xác định trong đồ án quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, bến xe khách này được định hướng là bến xe khách trung hạn (dự kiến thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2016-2020). Đồng thời, quy hoạch bến xe khách này cũng đã được xác định trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị H2-4 có vị trí nằm ở phía nam đường Vành đai 3 gần khu vực Yên Sở, với quy mô bến xe có diện tích khoảng 3,20Ha.

Tại đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Sở GTVT và Viện QHXD Hà Nội lập, Bến xe Yên Sở tiếp tục được quy hoạch là bến xe khách liên tỉnh trung hạn (với chức năng hỗ trợ, giảm tải cho 3 bến xe: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm).

Trong giai đoạn trước mắt hiện nay sau khi đầu tư xong Bến xe khách Yên Sở và Bến xe khách Cổ Bi sẽ tổ chức nghiên cứu điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại Bến xe Giáp Bát về 02 bến xe này nhằm giảm tải áp lực giao thông cho tuyến Quốc Lộ 1A hiện nay (Bến xe Giáp Bát sẽ chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe).

Về lâu dài đối với khu vực phía Nam, sau khi đầu tư hoàn thành Bến xe khách chính phía Nam (Khu vực Ngọc Hồi - Đường Vành đai 4) thì Bến xe khách Yên Sở và Bến xe khách Nước ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe (các tuyến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại 02 bến xe khách này sẽ được điều chuyển về Bến xe khách đầu mối tập trung phía Nam).

Như vậy, tại thời điểm hiện nay quy hoạch Bến xe khách Yên Sở đã được xác định trong đồ án quy hoạch GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồ án quy hoạch phân khu hoạch phân khu đô thị H2-4 được UBND Thành phố phê duyệt.

Việc tiếp tục quy hoạch Bến xe khách Yên Sở (bến xe khách liên tỉnh trung hạn) trong đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được nghiên cứu thể hiện tính nhất quán, thống nhất và đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch.

Công tác triển khai xây dựng Bến xe khách Yên Sở trong giai đoạn hiện này là hoàn toàn phù hợp với tiến độ định hướng trong đồ án quy hoạch GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án bến xe khách Yên Sở

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo thẩm định việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án (trong đó đã có báo cáo, phân tích đánh giá khá cụ thể các nội dung liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư và hình thức đầu tư) làm cơ sở cho UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.