Hà Nội: Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây rực rỡ ngày khai trương

Thành Cổ Sơn Tây là tuyến phố đi bộ thứ 4 của Hà Nội đã chính thức khai trương, thu hút hơn 15 vạn du khách đổ về vui chơi trong ngày 30/4.

Với chiều dài 820m, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây có phạm vi hoạt động kéo dài từ Phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học (điểm đầu là cổng cũ UBND thị xã Sơn Tây, và điểm cuối là Ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học).
Theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây, năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hóa kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và trải nghiệm. Những quần thể văn hóa tiêu biểu trên địa bàn, cùng khu du lịch hồ Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là điểm đến của đông đảo du khách.
Đúng 19 giờ 30 phút ngày 30/4, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã chính thức khai trương, thu hút hàng nghìn du khách tạo ra không khí náo nhiệt, sôi động....
---
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Phó Ban Thường trực tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây cho biết, hơn 15 vạn người dân và du khách đã tham gia không gian phố đi bộ trong ngày đầu khai trương. Lực lượng an ninh địa phương đã huy động 100% quân số, căng mình trên khắp các tuyến đường dẫn vào phố đi bộ. Xe cấp cứu chuyên dụng cũng được điều động và sẵn sàng ứng trực đảm bảo phòng dịch COVID-19.
Dòng người từ khắp nơi đổ về Thành cổ Sơn Tây để thử cảm giác được dạo bước trên phố đi bộ, được tận tay sờ vào những phiến đá ong có niên đại hàng ngàn năm tuổi từ thời nhà Nguyễn xây dựng để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long.
---
Các bạn trẻ ở khắp nơi cũng đổ về phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây…
Hoạt động nghệ thuật đường phố đã tạo nên điểm nhấn không thể thiếu ở không gian phố đi bộ.
Hình ảnh “Ông Đồ già” bày mực tàu, giấy đỏ cho chữ người dân, khiến nhiều người không khỏi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên: "Mỗi năm hoa đào nở; Lại thấy ông đồ già; Bày mực Tàu giấy đỏ; Bên phố đông người qua..."
Không chỉ cho chữ, các ông đồ còn cắt nghĩa, lý giải một số ý nghĩa đẹp văn hoá của con người, phong tục Việt thời xưa. Sau khi viết chữ xong, các ông đồ còn phải đề lạc khoản, đóng triện sao cho phù hợp.
Hoạt động tái hiện nghề truyền thống nhuộm củ nâu; trưng bày trang phục truyền thống; giao lưu các cụ cao tuổi ở Đường Lâm nói về văn hóa của làng.
---
Theo BQL tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, các hoạt động trong dịp lễ hội đã khai thác được rất nhiều giá trị di sản văn hoá của khu vực, không chỉ là ẩm thực mà còn có các đồ lưu niệm mang âm hưởng của làng cổ. Từ đó giúp bà con vừa kiếm thêm được thu nhập, vừa khích lệ sự sáng tạo của người phụ nữ Đường Lâm. Ban Quản lý di tích làng cổ cũng khuyến khích những nhà cổ mở cửa lại sau dịch nhưng phải chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch. Các chủ nhà cổ đã dọn dẹp sạch sẽ, đón du khách với thái độ thân thiện để đem đến cho du khách trải nghiệm tốt nhất./.