Bà Trần Kim Thúy ở số 12 Hàng Bông, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, cái khó với các hộ dân khu phố cũ, phố cổ là không gian sinh hoạt chật hẹp, không đủ diện tích để đặt các thùng phân loại rác trong nhà. Hiện nay, các gia đình sau khi được hướng dẫn phân loại rác đã cố gắng cho rác không tái chế và rác có thể tái chế vào các túi nilon riêng biệt, đến giờ quy định thì mang ra cho các đơn vị thu gom, vận chuyển.
Tuy nhiên, do đây là khu vực tập trung đông đúc các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, lượng rác thải phát sinh quá lớn nên theo bà Trần Kim Thúy, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, tình trạng vứt rác bừa bãi ngay lòng đường, hè phố vẫn diễn ra:
"Tranh thủ các gốc cây là vứt bừa vào đấy, người ta cứ vứt mỗi chỗ một túi vừa mất vệ sinh vừa không bắt được ai mà nói, người bán hàng rong thì 100% là vẫn ném trộm, vứt trộm".
Tính đến thời điểm này, nhiều người dân sinh sống tại khu phố cổ vẫn cảm thấy lúng túng khi thực hiện phân loại rác. Hầu hết các gia đình nếu có phân loại rác mới chỉ giữ lại các loại lon, giấy, thùng carton, còn các rác thải khác, kể cả thực phẩm thừa đều đổ chung.
Nhiều người dân vẫn có tâm lý là còn đang ở giai đoạn thí điểm nên chưa nghiêm túc thực hiện, đồng thời, một người dân ở phố Hàng Bông cho biết, việc vứt rác không đúng quy định vẫn còn tồn tại khá nhiều:"Người ta cứ vứt ngay cạnh cửa hàng, suốt ngày phải đi quyét dọn, không làm gì được, chán quá".
Để việc phân loại rác tại các khu vực đang được thí điểm như phố cổ Hà Nội được nhân rộng, đạt hiệu quả chưa cao, các chuyên gia môi trường cho rằng, cần đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý rác thải, đồng thời đào tạo và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường, tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi xả rác bừa bãi.
Theo kế hoạch, đến 31/12 năm nay, thành phố Hà Nội sẽ tổng kết thí điểm phân loại rác và có đánh giá để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn.
Và để việc phân loại rác tai nguồn thành công, không chỉ chính quyền, các công ty môi trường chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng cho xử lý rác mà theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, ý thức mỗi người dân có vai trò quan trọng: "Chúng ta vừa tuyên truyền, vận động vừa cổ vũ, khích lệ người dân để cùng tham gia với cơ quan chính quyền; đồng thời tạo các hệ thống nền tảng về thu gom, vận chuyển và xử lý đến khâu cuối cùng. Từ đó tạo một vòng tròn khép kín thì người dân mới thấy được hiệu quả"