Hà Nội: Ám ảnh và sợ hãi vì công trình giao thông đô thị chậm tiến độ

Việc thi công ì ạch, cầm chừng, khiến sự háo hức mong chờ đang biến thành nỗi sợ của người dân, mỗi khi nghe nói có dự án sắp làm đường đi qua nhà mình.

Vừa qua, Kênh VOV Giao thông có đăng tải bài viết “Khi người dân sợ làm đường qua nhà” – nói về các dự án với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng, từng được kỳ vọng góp phần giải quyết ùn tắc, cải thiện bộ mặt đô thị.

Nhưng việc thi công ì ạch, cầm chừng, sự háo hức mong chờ đang biến thành nỗi sợ của người dân, mỗi khi nghe nói có dự án sắp làm đường đi qua nhà mình.

Bài viết đã thu hút rất nhiều bình luận, phản ánh từ phía độc giả, đơn cử như:

“Không phải sợ nữa mà là ám ảnh. Làm 2km 1 năm trời chỉ có bụi, mà cũng không tưới 1 giọt nước. Mặc kệ cho người dân phản ánh, kêu than”.

“Nhà tôi có cái đường bé tý dài 500m, rộng 2,5m mà tận 5 tháng vẫn chưa xong. Chỉ khổ mỗi lúc trời mưa lầy lội kinh khủng”.

“Quá khổ luôn ý, nhà của mình, đất của mình nhưng không được làm gì. Thiệt hại ngay từ lúc đền bù đã thấp xong còn kéo dài thời gian. Muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của mình cũng không được. Dân kêu ý kiến thì mặc kệ dân hoặc đưa ra lý do này lý do nọ”.

PV VOV Giao thông đã có 1 ngày qua các dự án giao thông trọng điểm đang chậm tiến độ tại Hà Nội dưới đây (ghi nhận vào chiều ngày 28/6/2022):

Đầu tiên là đến với Dự án mở rộng đường Âu Cơ – Nghi Tàm. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thủ đô Hà Nội.
Ấy vậy mà đến nay, mặc dù dãy nhà trên đường Nghi Tàm, đoạn đang thi công mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm rất đẹp, kinh doanh tốt, giá bán không dưới chục tỷ đồng/căn, nhưng người dân cũng chẳng thể sướng nổi.
Nhiều người dân sống tại đây cũng chỉ thở dài: “Làm thế này thì chỉ khổ dân, đường sá thì tan nát, bẩn thỉu, kinh doanh cũng ế ẩm. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì ngập”.
“Dọc đường nhiều những bốt điện lung lay trên vài viên gạch. Vậy mà cũng chẳng chuyển bốt điện đi, trời tối đi vào đường này nguy hiểm lắm”, một người sống gần công trường của dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm phàn nàn
Một số đoạn, chỉ cần một chiếc ô tô hay xe tải đi qua cũng khiến tuyến đường này trở nên bụi bặm...
... bốt điện thì ngổn ngang giữa đường
Biển công trường đang thi công nhưng không một bóng người
Nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi biến thành bãi tập kết rác
Cỏ dại mục um tùm bên trong công trình
Vật liệu xây dựng tập kết cùng rác thải ngổn ngang, gây mất mỹ quan đô thị
Bên trong hạng mục, xảy ra tình trạng vật liệu để bừa bãi
Những thanh sắt có dấu hiệu hoen rỉ, xuống cấp...
Cả công trình gần 4km này, chỉ có duy nhất 1 lều, 1 người được cử ở lại trông nom
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, các dự án giao thông trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm và kế hoạch những tháng cuối năm 2022 có tiến độ chậm. Trong đó, giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương có tỷ lệ giải ngân thấp là 3,2%.
Tiếp đến là Dự án cầu vượt chữ C tại nút giao Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch, được đầu tư xây dựng với khoảng 147 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022.
Nhưng thực tế ghi nhận, chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 6 mà con phố từng được mệnh danh là “phố thời trang” đang chịu tình cảnh tương tự. Nhìn rõ nhất là hình ảnh “bên ngoài quây tôn, bên trong yên ắng”
Việc dựng hàng rào chắn để phục vụ thông công trong thời gian dài, đã gây ùn tắc vào giờ cao điểm trên đoạn đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch
---
Người dân bên ngoài thì sốt ruột, còn bên trong công trường, cọc chưa chôn đủ, trụ chưa xây hết, gạch, đá, vật liệu ngổn ngang và chỉ có lác đác một số ít công nhân.
Cuối cùng là Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang bị chậm tiến độ hàng loạt gói thầu dự án, dẫn đến phải kéo dài thời gian hoàn thành, tăng tổng mức đầu tư
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, dự án đường sắt số 3 Hà Nội có tỷ lệ giải ngân thấp đạt 0,1%.
Dù có nhà mặt phố thật nhưng việc lùi tiến độ dự án đến năm 2029, đang khiến nhiều người dân nơi đây gặp khó khăn
Ngõ nhỏ, phố nhỏ... nhà tôi ở đó
Bên trong công trường "không một bóng" công nhân thi công. Vật liệu xây dựng xếp ngổn ngang, cùng dấu hiệu rỉ sét
Được biết, MRB vừa có văn bản đề xuất UBND TP. Hà Nội lùi thời gian thực hiện dự án hoàn thành năm 2022 sang hoàn thành năm 2029. Cụ thể, tiến độ hoàn thành và vận hành thương mại đoạn trên cao trong năm 2022, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (thay vì cuối năm 2023 như tiến độ điều chỉnh cuối năm 2021, hoàn thành bảo hành và quyết toán năm 2029.
Hiện, tiến độ của dự án đạt trên 74% và đoạn trên cao gần 95%. Đoạn tuyến trên cao của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 12.