Giao thông thiệt hại chưa từng có, khắc phục và giảm thiểu thế nào?

72 tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị ngập lụt; Hàng loạt tuyến đường ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bị ngập sâu hoặc sạt lở ta luy, 2 nhịp cầu Phong Châu – Phú Thọ bị nước lũ cuốn phăng, 10 ô tô rơi xuống sông, 13 người mất tích tính.

Hàng chục cột đèn chiếu sáng, tủ điện trên cao tốc  Hạ Long – Vân Đồn, Tiên Yên – Móng Cái, Quảng Ninh bị hư hỏng; Cao tốc, cầu đường sắt, cầu vượt sông, nhiều đoạn phải tạm phong tỏa hoặc hạn chế, vì ngập sâu và lũ dữ. Sức tàn phá của bão Yagi và hoàn lưu bão đối với hạ tầng giao thông là chưa từng có. 

Cần làm gì để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm khôi phục giao thông? Giải pháp nào giảm thiểu thiệt hại của thiên tai tới giao thông trong thời gian tới? 

Đón nghe Diễn đàn 91, trực tiếp lúc 12h30 -13h30, thứ Năm (12/09/2024) trên tần số FM91 Kênh VOV Giao thông và vovgiaothong.vn với chủ đề: Giao thông thiệt hại chưa từng có do thiên tai, khắc phục và giảm thiểu thế nào trong thời gian tới? 

 

Cùng sự tham gia của các vị khách mời: TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và GS.TS. Bùi Xuân Cậy, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Đường bộ, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải.


 Mưa lũ đe dọa an toàn nhiều cây cầu, gây sạt lở nhiều tuyến đường

Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 với những trận gió cường độ lớn, những trận mưa lưu lượng lớn gây sạt lở, ngập úng nhiều tuyến đường, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, tỉnh Yên Bái rất lo lắng khi gia đình, người thân đang ở đúng vùng ngập: "Xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nước đang lên rất nhanh, chỉ trong chớp mắt, nước lên nửa nhà rồi và hiện tại nước vẫn đang còn lên. Nhiều tuyến đường nước dâng cao gây ra tình trạng ngập úng, các phương tiện hầu như bị cô lập không đi được, có những tuyến đường không thể đi được"

Quốc lộ 279 ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) bị sạt lở nửa mặt đường - Ảnh Báo Người Lao động

Tỉnh Lào Cai, có 72 tuyến tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở, ngập lụt. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bị sạt lở ta luy, nhiều đoạn đường ngập sâu. Đơn cử như tuyến quốc lộ 3C bị ngập sâu tới 1 mét.

Mưa lũ cũng khiến hàng trăm tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng bị sạt lở, ngập úng. Quốc lộ 34 bị sạt lở tắc đường 14 vị trí, hiện đã thông xe được 7 vị trí.

Ông Lê Văn Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết về mức độ hư hại của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông: "Hiện nay các đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thiệt hại khoảng 80%. Tất cả các tuyến đường cũ hiện nay chúng tôi đang quản lý khoảng hơn 593km tuyến quốc lộ, thì bây giờ bị sạt lở khoảng 400km phải sửa chữa lại và làm lại mặt, hót dọn, sửa chữa mặt đường thôi, chứ còn làm mới chỉ vài km. Số lượng cọc tiêu bị hư hỏng khoảng 20%"

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê đến ngày 9/9, hàng nghìn cột biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cột điện, cây xanh bị gãy đổ; tuyến cao tốc Hạ Long- Vân Đồn, Tiên Yên- Móng Cái bị sạt lở ta-luy dương nhiều điểm; nhiều tuyến quốc lộ  bị ngập... 

Lực lượng CSGT Công an huyện Mộc Châu tham gia khắc phục các điểm sạt lở giao thông. Ảnh: Công an huyện Mộc Châu

Còn tại Hải Hương, theo ông Bùi Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, ước tính hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Hải Dương bị thiệt hại do mưa bão khoảng trên 5,3 tỷ đồng: "Hệ thống biển báo hiệu bị gẫy đổ. Cây xanh gẫy đổ 2 bên đường khoảng 30 nghìn cây, một số đoạn bị sạt lở mái ta- luy.  Ngoài ra còn hệ thống đường thủy, hệ thống báo hiệu, cột phao bị trôi, gẫy. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông vận tải có Trung tâm đào tạo sát hạch và bến xe khách cũng bị thiệt hại cơ sở vật chất khoảng 3 tỷ đồng"

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, Tính đến 14h ngày 11/9, địa phương này có một số tuyến quốc lộ bị hư hỏng, sạt lở là Quốc lộ 15,  16, quốc lộ 47, 217, … Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết về những thiệt hại do cơn bão số 3: "Cơn bão số 3 tiếp tục làm gây sạt lở, đặc biệt là các tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 15. Đây là những tuyến đường huyết mạch đi đến các huyện ền núi như huyện Mường Lát, huyện Quan Hóa. Hệ thống biển báo, trang thiết bị công trình cầu phà, cơ sở hạ tầng giao thông chưa bị ảnh hưởng lớn"

Cơn bão số 3 gây ra 194 sự cố về đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều đèn tín hiệu bị hư hỏng, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước.

Không chỉ gây sạt lở, ngập úng cho các tuyến đường bộ, mưa bão cũng uy hiếp đến sự an toàn của nhiều cây cầu tại các địa phương như Cầu Long Biên, Chương Dương, cầu Đuống (Hà Nội), Trung Hà, Vĩnh Phú. 2 nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đã bị lũ cuốn phăng, khiến 10 ô tô rơi xuống sông và 13 người mất tích. Tình hình mưa, lũ vẫn diễn biến phức tạp đe dọa đến sự an toàn đến các tuyến đường tại nhiều địa phương và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cần có chiến lược để thích ứng với thiên tai

Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương khắc phục các tuyến đường và kết cấu hạ tầng đường bộ bị ảnh hưởng, hư hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Công an tỉnh Hải Dương tăng cường tuần tra, kiểm soát, rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu, cống trên địa bàn - Ảnh Báo Lao Động

Ông Bùi Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương cho biết đang rốt ráo khắc phục hư hỏng, sự cố cầu, đường để hoàn thành trong 10 ngày tới: "Khẩn trương khắc phục, nắn chỉnh hệ thống báo hiệu, khôi phục lại phấn đấu hoàn thành trước 20/9".

Tại tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin: "Đến nay một số vị trí sạt lở lớn như Km 88+750 đang triển khai thực hiện và thông xe tạm thời. Trong thời gian tới, khi mà mưa tạnh, chúng tôi chỉ đạo đơn vị khắc phục triệt để"

Công tác khắc phục tại tỉnh Cao Bằng, theo ông Lê Văn Định, Giám đốc Sở GTVT còn gặp nhiều khó khăn: "Thời gian sửa chữa lại có thể lên đến 1 năm. Trong thời gian tới, khoảng 1 tháng nếu trời nắng lên thì chúng tôi có thể thông được đường cho bà con đi lại".

Theo các chuyên gia, hậu quả của cơn bão số 3 cho thấy giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu; và đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai phức tạp khó lường gây ra lũ lụt, mưa bão, hạn hán, mực nước biển dâng...

Để giảm những tác động tiêu cực, theo TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP HCM đầu tiên phải tính tới quy hoạch và thiết kế hạ tầng giao thông bền vững: "Chúng ta phải thực hiện những đánh giá về rủi ro thiên tai ở từng khu vực, xác định điểm yếu của hạ tầng và đưa ra giải pháp phù hợp; với những vùng rủi ro cao thì tiêu chuẩn thiết kế phải cao để đảm bảo các công trình có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt với vật liệu bền vững"

Hiện trường sạt lở đất tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Quân khu 1

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, tác động của biến đổi khí hậu cùng với những biểu hiện bất thường của thời tiết cực đoan cần phải được tính đến trong công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành của lĩnh vực giao thông vận tải:

"Những nơi khắc nghiệt như mình thì độ an toàn phải tăng lên, trong quy định thiết kế thì tính toán độ dư nhiều hơn; vật tư sắt thép cũng phải đảm bảo, độ bền chịu lực, chịu tải, chịu tác động của thiên nhiên phải tốt hơn, nhất là những cây cầu ở ền núi. Vấn đề bảo dưỡng, kiểm tra với máy móc hiện đại để bổ sung, gia cố kịp thời"

Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn, Bộ môn Quy hoạch quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, hướng đi để giảm thiểu tác động có hại do biến đổi khí hậu, thiên tai phức tạp khó lường nằm ở chiến lược giao thông vận tải của quốc gia. Việc phát triển các chiến lược thích ứng hiệu quả đòi hỏi phải có các biện pháp phù hợp từ chính sách, đầu tư và nghiên cứu khoa học.

"Chúng ta cần có những chiến lược vừa thích ứng được cho những công trình hiện hữu và những công trình về sau có thể ứng phó được với thiên tai xảy ra. Phải phân tích, dự báo được mức độ, phạm vi của thiên tai xảy ra để có giải pháp thích ứng một cách linh hoạt.

Thứ 2 là các công trình trọng điểm như hệ thống cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường huyết mạch thì phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới ứng phó, chống chọi với thiên tai, đặc biệt là các công trình sẽ xây dựng trong tương lai", Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn cho biết.