GẦN TẾT... CHỖ NÀO CŨNG TẮC
Thời điểm cận Tết, nhu cầu về quê, du lịch, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thành về TP.HCM và ngược lại tăng đột biến. Trong khi các tuyến cao tốc, quốc lộ kết nối TP.HCM với các địa phương đang rơi vào tình trạng quá tải những năm gần đây, khiến giao thông thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Khu quản lý đường bộ IV cho biết: “Về tình hình phương tiện trên các tuyến cao tốc và quốc lộ ở thời điểm cuối năm, đặc biệt dự báo nguy cơ ùn tắc do sự gia tăng về lưu lượng. Cụ thể, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành-Dầu Giây dự báo gần 65.000 lượt xe/ngày đêm và ngày cao điểm có thể đạt gần 90.000 lượt xe/ngày đêm. Còn lại tuyến cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo đạt khoảng 14.000, Dầu Giây - Phan Thiết 21.000; cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận giờ cao điểm là khoảng 54.000 lượt xe".
Không chỉ các tuyến cao tốc, cửa ngõ thành phố, nhiều khu vực trọng điểm như nhà ga, bến xe, sân bay, kẹt xe ở TP.HCM đang lan rộng ở nhiều khu vực nội ô như quận 1, 3, 4, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình…; đặc biệt là khi qua các giao lộ.
“Thời gian gần đây những điểm nóng trọng điểm như Hàng Xanh, Đinh Bộ Lĩnh về bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh là xe thường xuyên rất đông vào giờ cao điểm”.
“Bây giờ vào trong Sài Gòn gần Tết này là chỗ nào cũng kẹt. Lượng xe nhiều quá, thứ hai đường hẹp, hàng hóa nhiều công ty vận tải tắc đường 30-40 phút mới qua được đèn xanh đèn đỏ”.
Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT, lượng phương tiện giao thông từ đầu năm 2025 đã tăng 2,8 - 11,4% so với cuối năm 2024, tập trung tại các khu vực trung tâm, sân bay Tân Sơn Nhất và các cửa ngõ thành phố. Riêng khu vực trung tâm ghi nhận lưu lượng xe tăng 11,4%, trong khi số lượt ùn tắc tăng 17%.
Bên cạnh đó, từ khi có Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, tình trạng lưu thông không tuân thủ theo tín hiệu đèn giao thông, lưu thông trên vỉa hè, đi ngược chiều đã hạn chế rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Bùi Hòa An cho rằng, do thực tế lưu lượng xe hàng ngày tăng cao, nhất là vào dịp Tết, trong khi bề rộng mặt đường còn hẹp, không đáp ứng được hết luồng giao thông, gây ra tình trạng phương tiện dừng chờ kéo dài.
Trước tình trạng đó, ngành giao thông đã phân tích luồng giao thông và mức độ dừng chờ và đã lắp đặt 50 bảng điều khiển cho xe máy rẽ phải tại các giao lộ. Và Sở sẽ phân tích đánh giá lắp đặt thêm để phân luồng chủ động, tránh ách tắc dừng chờ lâu.
Ông Bùi Hòa An cho biết thêm: “Trách nhiệm chính là của ngành giao thông và công an nhưng quan trọng là ý thức của bà con nhà mặt tiền cũng như chính quyền địa phương. Sắp tới sở và các ngành chức năng có cuộc họp để đánh giá lại tình hình giao thông mấy ngày qua, phương hướng tổ chức lại giao thông, tín hiệu giao thông làm sao tốt nhất, trước mắt là trước trong và sau Tết và sau đó là thời gian trong thời gian sắp tới trong điều kiện luật có thay đổi”.
Ngoài giải pháp khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông, hạ tầng đô thị như lắp thêm đèn tín hiệu, theo ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM, từ ngày 15/12/2024 đến 14/2/2025, lực lượng chức năng thành phố triển khai cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đồng thời cũng tăng cường phối hợp các lực lượng trong điều tiết, phân luồng giao thông nhằm giải tỏa dòng phương tiện kéo dài.
“Ban ATGT TP cũng đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Thứ nhất tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là các quy định mới của Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 và Nghị định 168. Và phối hợp các lực lượng chức năng, trong đó yêu cầu công an TP tăng cường tuần tra kiểm soát, tổ chức phân luồng hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố, đồng thời tăng cường lực lượng phối hợp trong điều tiết, điều khiển giao thông”.
Đánh giá thêm về tác động của Nghị định 168 trong hoạt động giao thông thời gian qua, ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng, việc đi đúng làn đường, tốc độ, chấp hành đèn tín hiệu sẽ tạo ra môi trường giao thông văn nh, dòng xe trên đường vẫn đảm bảo. Việc này khi thực hiện đồng thời với điều chỉnh, tổ chức giao thông phù hợp sẽ giúp người dân thuận tiện đi lại và trật tự hơn.
“Việc chấp hành nghiêm các quy định này, theo phản ánh của người dân vừa qua, dẫn đến ùn tắc phương tiện, đặc biệt tại các giao lộ có vẻ trầm trọng hơn. Nhưng thực tế qua khảo sát, đánh giá, việc tham gia giao thông cấn tuân thủ và đi có trật tự thì dòng dịch chuyển vẫn sẽ đảm bảo. Nếu như chúng ta tham gia giao thông mà không tuân thủ đi có trật tự thì sẽ tạo ra những nút ùn tắc và lực lượng chức năng gỡ các nút ùn tắc này cũng rất khó”.
ĐỪNG LÀ NỖI ÁM ẢNH
Câu chuyện ùn tắc trong những ngày qua tại Hà Nội và TP.HCM là bằng chứng. Nguyên nhân có lẽ ai cũng biết, do lưu lượng tăng cao, hạ tầng không đủ đáp ứng; cộng thêm nhiều xe chở hàng hóa cồng kềnh trên đường, đồ phục vụ Tết bán ở vỉa hè, xe đỗ dưới lòng đường... khiến tình hình ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khác với cảnh ùn tắc của mọi năm mà sự ùn tắc những ngày qua có phần trật tự và ngay ngắn hơn, khi không còn cảnh lộn xộn phương tiện leo lề, lấn đèn đỏ, nối đuôi nhau lấn làn, đi ngược chiều theo kiểu “điền vào chỗ trống”.
Đành rằng các phương tiện có chờ đèn lâu hơn, dòng xe xếp hàng dài hơn, thế nhưng người đi bộ không còn nôm nớm lo sợ khi dòng xe ầm ập tràn lên vỉa hè hay bóp kèn ỉnh ỏi thúc giục xe phía trước khi dừng chờ đèn đỏ. Ngay cả công tác giải quyết ùn tắc, điều tiết giao thông của lực lượng chức năng cũng nhanh chóng và nhịp nhàng hơn.
Nghị định 168/2024 của Chính phủ ban hành ngày 26/12/2024, Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tác động không nhỏ đến hoạt động giao thông.
Bên cạnh những bất cập phát sinh thì những hiệu quả tích cực bước đầu từ việc thay đổi nhận thức trong giao thông, kéo theo hành vi thay đổi theo hướng văn nh và an toàn hơn. Vấn đề cấp bách còn lại là giải quyết ùn tắc, từ công tác tuyên truyền các quy định pháp luật đến tổ chức phân luồng giao thông hợp lý và tối ưu hạ tầng đô thị để phù hợp với quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông.
Đơn cử như việc điều chỉnh lại đèn tín hiệu cho phép phương tiện rẽ phải hoặc đi thẳng khi đèn đỏ tại các giao lộ vừa qua tại TPHCM, cho thấy hiệu quả phần nào trong việc điều chỉnh giao thông kéo giảm ùn tắc.
Từ đây, thành phố cần khảo sát thêm và nghiên cứu số nhịp đèn phù hợp với dòng lưu lượng tại các giao lộ lớn, nhất là khắc phục nhanh các sự cố đèn tín hiệu. Hệ thống biển báo hiệu cũng cần được rà soát làm sao cho dễ hiểu, rõ ràng, không bị che khuất, giúp người dân dễ nhận biết.
Về công tác phân luồng, cử người túc trực theo dõi và điều phối lực lượng điều tiết ngay khi có dấu hiệu ùn tắc, đặc biệt là các điểm nóng giao thông. Bởi sự có mặt điều tiết trực tiếp của lực lượng cảnh sát giao thông vẫn hiệu quả hơn là phụ thuộc vào hệ thống đèn tín hiệu. Công tác phân làn giao thông cũng có thể linh hoạt bằng cách áp dụng dải phân cách di động để ưu tiên cho luồng phương tiện có mật độ cao vào từng thời điểm.
Đây là biện pháp hiệu quả đã được thành phố áp dụng từ lâu tại một số điểm nút giao thông quan trọng, cần được mở rộng trong thời gian tới. Về lâu dài, thành phố đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch; tăng cường giao thông công cộng và khuyến khích người dân sử dụng.
Ngoài ra, cảnh sát giao thông chỉ nên tập trung xử lý chuyên đề các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây mất trật tự, tai nạn giao thông, các lỗi đậu đỗ sai quy định gây ùn tắc giao thông; tăng cường tuyên truyền pháp luật thay vì xử phạt đại trà các lỗi vi phạm.
Bởi Nghị định 168 ra đời siết chặt nhiều quy định, tăng nặng mức phạt khiến lái xe, đặc biệt là lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa “dè chừng” trong tay lái, từ đó dễ dẫn đến ùn ứ dòng phương tiện, khiến thời gian giao hàng chậm trễ. Nhất là quy định về giờ lái xe, khiến doanh nghiệp phải giảm số chuyến hàng do thiếu lái xe, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp và cả lái xe nói riêng và kinh tế nói chung.
Trong khi số tiền thu được từ xử phạt giao thông không bằng con số thiệt hại về kinh tế trung bình mỗi năm khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM và 1 đến 1,2 tỷ USD mỗi năm tại Hà Nội, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM năm 2022.
Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm từ cơ quan chức năng, để giải bài toán ùn tắc còn cần sự đồng hành của người dân trong việc tuân thủ luật lệ và ý thức tham gia giao thông, kỳ vọng giao thông sẽ có diện mạo mới, thông thoáng hơn.