Nhằm chia sẻ quan điểm và tìm kiếm lời khuyên cho câu chuyện này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.
PV: Trong bối cảnh người trẻ Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội chi tiêu và đầu tư, theo ông đâu là những sai lầm phổ biến nhất mà họ gặp phải khi quản lý tài chính cá nhân?
TS. Nguyễn Minh Phong: Thế hệ trẻ hiện nay có nhiều đặc điểm khác với thế hệ cha ông. Đó là sự quyết đoán chi tiêu, mạnh dạn ứng tiền cho những nhu cầu mình thích cũng như hay chạy theo xu hướng, thay vì nhìn vào túi tiền và với tinh thần đó thì thường các bạn trẻ hay mắc phải một số lỗi. Ví dụ chi tiêu phong trào, đặc biệt là mua sắm những đồ sang xịn mịn, coi đấy như là một tiêu chí đẳng cấp, nhiều khi bị trả giá cho vấn đề xuống giá, nhưng các bạn trẻ không quan tâm.
Cái thứ hai là mua theo cái gọi là sĩ diện, thấy người khác có thì mình cũng phải có. Đây cũng là một đặc điểm mà khiến cho túi tiền bị tiêu tốn rất là nhanh. Và thứ ba nữa các hoạt động mua sắm cũng như là chi tiêu, nó không có kế hoạch, thường là theo cảm tính, không cân nhắc tới nguồn thu, không phải như là thế hệ trước, tức là “lường thu mà chi”, mà hiện nay chủ yếu là “bóc ngắn, cắn dài” hoặc là coi việc tiết kiệm không phải là cần thiết.
Thứ tư rất quan trọng, đó là các bạn không có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là không biết đa dạng các nguồn thu, đồng thời là không biết cân nhắc các khoản chi cũng như mức bội chi và đặc biệt là hay lạm dụng thẻ tín dụng, khiến cho sự chi tiêu nhiều khi nó vượt quá khả năng và đặc biệt là nó dễ bị phạm một lỗi kỹ thuật.
Một là nợ tín dụng, hai nữa là chi tiêu quá mức bởi vì không có cảm giác hụt tiền, quẹt thẻ thì nó không có cảm xúc về mặt khối lượng, không hiểu rằng mình đã đưa bao nhiêu và cuối cùng là việc vay nợ đối với các bạn cảm thấy dễ dàng. Trong khi đó thì một trong những nguyên tắc rất quan trọng là phải tránh vay nợ, đặc biệt là lãi suất cao cũng như là phải có tiết kiệm đầu tư lâu dài.
PV: Giáo dục tài chính cá nhân nên bắt đầu từ độ tuổi nào, và nên tích hợp việc giáo dục tài chính cá nhân vào học tập, cuộc sống ra sao?
TS. Nguyễn Minh Phong: Giáo dục tài chính cá nhân là một đòi hỏi, thế giới họ làm được điều đó rất tốt. Ở Việt Nam thì thường là coi nhẹ. Đã đến lúc chúng ta phải coi giáo dục tài chính cá nhân như một trong những kiến thức quan trọng, tạo kỹ năng mềm, có thể giáo dục ngay từ lớp một để cho các bạn ấy có khái niệm về tiền từ đâu ra, quản lý như thế nào, cũng như là những kiến thức để tránh bị lừa đảo hoặc là tránh xem nhẹ đồng tiền.
Và với tinh thần đấy thì trong giáo dục công dân nên có nội dung liên quan đến giáo dục về tài chính cá nhân, còn đối với đại học thì nên giáo dục theo hướng đầu tư, hướng quản lý để làm sao tránh những rủi ro trong đầu tư. Các cơ quan liên quan đến giáo dục thế hệ trẻ cần phải hết sức chú ý bổ sung những kiến thức đào tạo, kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cho thế hệ trẻ bắt đầu từ lớp nhi đồng cho đến thanh thiếu niên, thanh niên và kể cả những người trung tuổi.
Thứ hai nữa là cần phải biên soạn thể chế hóa thành những nội dung chương trình và được duyệt và được khuyến nghị để mà nó tạo một kỹ năng mang tính hệ thống cũng như chuẩn chỉnh, tránh vì chạy theo những kiến thức trên mạng hoặc là những kiến thức cá nhân mà nó bị cực đoan, phiến diện.
Thứ ba nữa là trong quản lý tài chính cá nhân nên dậy không chỉ là phương pháp kiếm tiền, phương pháp tiêu tiền mà còn cả phương pháp tránh được những rủi ro trong quản lý tiền và đầu tư, bao gồm bị lừa đảo trên mạng mà hiện nay các bạn trẻ đang bị rất nhiều vì lòng tham, thiếu hiểu biết hoặc là bị những kỹ nghệ lừa tinh vi.
Cuối cùng thì nên có những sự tập dượt các kịch bản ở các lớp học, ví dụ như hoạt động ngân hàng, ví dụ hoạt động đầu tư, để các bạn trẻ có thêm kiến thức trong thực tiễn, vừa là tránh rủi ro, vừa là làm quen với những kỹ năng về kinh tế số, tài chính số cũng như là các hoạt động chuyển đổi số.
PV: Người trẻ nên ưu tiên học kỹ năng nào trong quản lý tài chính cá nhân để làm chủ tương lai trong một thế giới đầy biến động?
TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các bạn trẻ cần phải chia thu nhập của mình ra làm ba phần.
Cái này thì kiến thức thế giới nó rất nhiều, có thể chia làm ba phần, năm phần sáu phần, nhưng nguyên tắc chung chia làm ba phần, phần đầu đó là chiếm khoảng trên dưới 50% tổng thu nhập và chi tiêu cho những khoản thiết yếu cơm ăn, áo mặc, xây nhà, xăng xe hàng ngày, những khoản mà công việc thu chi.
Khoản thứ hai là khoản chi tiêu mềm dùng cho những đám cưới hiếu hỉ đột xuất hoặc là những khoản đầu tư cho học tập, phát triển bản thân mình, học tiếng Anh, học thêm những kỹ năng mềm khác.
Thứ ba là khoản đầu tư, khoản này thường chiếm khoảng trên dưới 10 - 15%, có thể tới 20%. Tiết kiệm và đầu tư bao gồm quỹ tiết kiệm bao gồm những khoản đầu tư khác và đảm bảo tính an toàn cao thì ba khoản này nó có thể du di, nhưng cần phải có cả ba khoản.
Nếu ai đó mà coi nhẹ, chỉ chi tiêu thường xuyên mà không chú ý tích lũy thì không bao giờ giàu được. Nhưng nếu chỉ chú ý đầu tư mà không chú ý bảo vệ sức khỏe và phát triển cá nhân thì cũng sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội.
PV: Xin cảm ơn ông!