Giảm ùn tắc giao thông - Giải pháp đột phá

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đó là do gia tăng dân số kéo theo phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, tập trung vào nội đô... Để giải bài toán này, Hà Nội phải giải quyết đồng bộ các vấn đề và không chỉ tập trung vào hạn chế phương tiện cá nhân.

Diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, xe cá nhân gia tăng nhanh là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Thực tế ở các thành phố lớn trên thế giới đều hướng tới phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, giao thông công cộng ở Hà Nội còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Ông Trần Hữu Bảo cho biết thêm, HĐND thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mỗi năm, thành phố phấn đấu xử lý từ 7-10 điểm “đen” ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm mới; không để xảy ra các điểm ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Giai đoạn từ năm 2021-2025, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trước tiên là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Hà Nội. Đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông.

Tuyến đường vành đai 3 và đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) ùn tắc cục bộ theo hướng từ cầu Thanh Trì về cầu Thăng Long chiều 11/4

Theo ông Trần Hữu Bảo, đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò cực kỳ quan trọng với chương trình chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

Về các giải pháp chống ùn tắc giao thông đang được triển khai, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức chốt trực hướng dẫn phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm, nút giao thông, khu vực các cổng trường học, bệnh viện nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nhất là tình trạng các phương tiện dừng đỗ trái quy định gây ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn phân luồng giao thông.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an thành phố để điều chỉnh các bất cập về tổ chức giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông trên các trục chính giao thông như: trên trục đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở (các nút giao cầu Mai Động; nút giao Ngã Tư Vọng; nút giao Ngã Tư Sở); trục đường Vành đai 3 (nút giao Pháp Vân – Ngọc Hồi; nút giao Nghiêm Xuân Yêm – Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng; Mai Dịch – cầu Thăng Long); trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung (nút giao Ba La; nút giao Vũ Trọng Khánh – Nguyễn Khuyến; nút giao Ngã Tư Sở); trục đường Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo (nút giao Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ; nút giao Trần Hữu Dực – Lê Đức Thọ); trục đường Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu (Láng Hạ - Giảng Võ); nút giao Lê Văn Lương – Hoàng Minh Giám (thi công hầm chui Lê Văn Lương); nút giao Trung Văn – Tố Hữu.

Biện pháp không thể thiếu là nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, lưu thông trên đường tuân thủ theo hệ thống vạch sơn, biển báo tránh các trường hợp đi lại lộn xộn gây mất an toàn giao thông, làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn./.