Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước gồm 08 Chương, 75 Điều.
Nội dung dự thảo Luật cấp, thoát nước được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các quy định tại Luật Cấp, Thoát nước hướng tới đảm bảo lợi ích công cộng, không trái với các cam kết, điều ước quốc tế hiện nay.
Theo Ban soạn thảo, việc xây dựng và ban hành Luật Cấp, Thoát nước sẽ thúc đẩy Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể có liên quan đến cấp, thoát nước được đề cập tại mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, là cơ sở phát triển bền vững, tiến tới chất lượng dịch vụ cao, công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế.
Liên quan đến nội dung quản lý vận hành hệ thống cấp, thoát nước, Dự thảo Luật, cấp thoát nước quy định về Nguyên tắc quản lý vận hành hệ thống thoát nước; yêu cầu năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước; Quản lý sử dụng tài sản hệ thống thoát nước và Quản lý thoát nước an toàn.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định cụ thể về Quy trình vận hành hệ thống thoát nước; Quản lý thoát nước gắn với quản lý cao độ nền; Quản lý hồ điều hòa và bùn cặn; Sử dụng nước mưa, tái sử dụng nước thải sau xử lý.
Điểm đáng chú ý, Dự thảo Luật Cấp, thoát nước, bổ sung nội dung quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn với 2 phương án.
Phương án 1, Dự thảo Luật quy định cụ thể nội dung quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch tỉnh (áp dụng cho 58 tỉnh trừ 5 thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước) nhằm đảm bảo tính liên kết vùng giữa cấp nước đô thị và nông thôn; giữa thoát nước đô thị, khu dân cư với thoát nước thủy lợi, lưu vực sông.
Còn phương án 2, Ban soạn thảo đề xuất lập quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước quy mô tỉnh cho 58 tỉnh (ngoài 05 thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch chuyên ngành theo Luật Quy hoạch đô thị). Quản lý, tổ chức thực hiện nội dung quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhằm phù hợp với thực tế. Quy định thoát nước phòng, chống ngập úng (hạn chế san lấp hồ, ao,..) khi lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị mới tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,….các giải pháp tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu ngập úng.
Sau khi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ban ngành về Luật Cấp, thoát nước, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, chỉnh lý và dự kiến cuối tháng 12 này sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định và tháng 3 là sẽ trình Quốc Hội và dự kiến tháng 10/2025 sẽ thông qua .
NÔNG THÔN CŨNG ĐƯỢC TIẾP CẬN NƯỚC SẠCH
Những quy định về quản lý, vận hành hệ thống cấp, thoát nước trong Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước sẽ tác động như thế nào đến công tác quy hoạch hệ thống cấp, thoát nước của các địa phương?
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng hạ tầng Cấp nước, Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng.
PV: Thưa ông, nếu được ban hành dự thảo Luật cấp, Thoát nước, công tác quản lý về quy hoạch cấp nước thoát nước, thời gian tới sẽ có những thay đổi như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Đức: Hiện nay, quy hoạch cấp, thoát nước hiện nay đang được lồng ghép trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, trên địa bàn một tỉnh, chúng ta vẫn chưa có một nội dung quy hoạch đầy đủ, thống nhất đồng bộ.
Trong Luật cấp, Thoát nước nhấn mạnh về những nội dung quy hoạch cấp, thoát nước trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, chúng ta đang nhấn mạnh về việc xác định các vùng cấp nước theo Nhà máy nước, kết nối các nhà máy nước đã mở rộng và kết nối đô thị sang nông thôn và hỗ trợ cấp nước từ các khu đô thị sang cấp nước nông thôn.
Như vậy, chúng ta có những nhà máy lớn có tính an toàn, tính bền vững và chất lượng dịch vụ tốt và mọi người dân sẽ được tiếp cận.
Đối với dịch vụ thoát nước, trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chúng ta đã kết nối việc thoát nước giữa các khu đô thị, khu dân cư để có hệ thống thoát nước chính kết nối ra hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước theo lưu vực sông của Luật Tài nguyên nước, cũng như Luật thủy lợi quy định.
Việc kết nối như vậy sẽ giúp khắc phục công tác từ quy hoạch và khi trước đó đã xác định rõ trong quy hoạch, các dự án triển khai về cả cấp nước, thoát nước sẽ được triển khai đồng bộ. Như vậy, sẽ đảm bảo được cả về chất lượng nước sạch cho mọi người dân, cả nông thôn được tiếp cận.
Thứ hai nữa là ngập úng đô thị, hoạt động thu gom, xử lý thải cũng được kiểm soát, dần dần chúng ta phải trả lại các dòng sông xanh.
PV: Thưa ông đến nay thì Ban soạn thảo đã nhận được những ý kiến đóng góp như thế nào hiện?
Ông Nguyễn Minh Đức: Hiện nay, sau khi Ban soạn thảo đã gửi dự thảo xin ý kiến gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố cũng như đưa lên Cổng thông tin Chính phủ và Cổng thông tin của Bộ Xây dựng, chúng tôi đã nhận được hàng trăm ý kiến.
Cụ thể là 19 trên 21 Bộ đã có ý kiến, 60 trên 63 tỉnh, thành phố đã có ý kiến. Ngoài ra, các tổ chức, các hiệp hội, các đơn vị, các cơ quan trong nước và nước ngoài, các chuyên gia đã có gửi kiến bằng văn bản cũng như qua các hội thảo, hội nghị chúng tôi đã lấy ý kiến
Trên cơ sở của các đồng chí này. Chúng tôi đang gấp rút tổng hợp, tiếp thu, giải trình cũng như hoàn thiện dự án Luật cấp thoát nước. Cuối tháng 12, chúng tôi gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo lộ trình xây dựng Luật.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
NGÀNH TÀI NGUYÊN NƯỚC PHẢI THEO ĐUÔI GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ
Tình trạng úng ngập đô thị do mưa hay triều cường đang là vấn đề nhức nhối của nhiều đô thị. Những quy định mới trong Dự thảo Luật Cấp, thoát nước có thể giúp khắc phục được phần nào thực tế này?
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS Hồ Long Phi, chuyên gia quản lý nước đô thị xung quanh nội dung này:
PV: Theo ông với những quy định trong Dự thảo Luật cấp, thoát nước liệu có thể giúp ngăn ngừa và hạn chế tình trạng ngập úng ở đô thị hay không ?
TS Hồ Long Phi: Ở đây, chúng ta lại phải đề cập tới một khía cạnh khác của việc quản lý tài nguyên nước. Đó là quản lý liên ngành, không chỉ liên quan đến lưu vực, liên quan đến địa lý mà còn liên quan đến các đối tượng sử dụng nước.
Hiện nay, đang có sự mâu thuẫn, thậm chí xung đột giữa các đối tượng sử dụng nước khác nhau. Ví dụ, đô thị khi phát triển, người ta tìm cách nâng nền, tạo ra những mặt phủ không thấm và như vậy, nó làm thay đổi cái chu trình tự nhiên của nước và một phần nào đó, góp phần gây ra ngập lụt cho khu vực khác.
Hay việc lấn chiếm, lên đê bao một cách quá mức không cần thiết, một phần làm cho mực nước sông dâng lên cộng hưởng với mực nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập triều.
Nói cách khác, ngành này đang phát triển và đẩy gánh nặng về những hiểm họa về tài nguyên nước cho ngành khác giải quyết. Sự phối hợp ở đây nên mở rộng ở mức độ liên ngành chứ không hẳn chỉ là ở mức độ lưu vực.
Tôi cho rằng đó là điểm mà Luật tài nguyên nước cũng phải đề cập đến.
Ví dụ như khi chúng ta xin cấp phép để làm việc gì đó ít nhiều ảnh hưởng đến các điều kiện tự nhiên của dòng chảy hiện tại, thì bắt buộc phải có ý kiến, phải có được sự đồng thuận của ngành quản lý tài nguyên nước.
Hiện nay, đa số là ngành tài nguyên nước, ngành thủy lợi phải đi theo đuôi để giải quyết hậu quả của những ngành khác. Đó là một điểm bất cập mà tôi cho rằng phải giải quyết luôn trong luật lần này.
Những quy định phải có tính chất chế tài hoặc có tính chất bù đắp, chế tài để ngăn chặn việc lạm dụng quá mức và gây ra những cái suy thoái về tuần hoàn nước.
Đền bù ở đây là trên nguyên tắc nếu sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp gây ra thiếu nước, gây ngập lụt thì anh sẽ phải bù đắp bằng chính cái lợi nhuận của anh chứ không phải bắt các ngành khác phải theo đuôi để giải quyết hậu quả đó.
PV: Thưa ông, nếu chúng ta áp dụng theo nguyên tắc như ông vừa nêu thì nó sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay như thế nào trong công tác quy hoạch và quản lý ?
TS Hồ Long Phi: Chúng ta biết, nước là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của một khu vực hay thậm chí của quốc gia. Việt Nam đang xảy ra tình trạng sử dụng phung phí nguồn nước. Nếu như chúng ta hình dung được, nước được phân bổ và tuần hoàn theo lưu vực thì chúng ta mới quy hoạch phát triển kinh tế nói chung, quy hoạch đô thị tốt được.
Bởi việc vận chuyển điện, vật tư khác từ nơi khác đến sẽ dễ dàng hơn là chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác, nó gây ra sự xáo trộn rất lớn về sinh thái môi trường lưu vực đó. Chúng ta hình dung rằng, nước là một trong những nguyên vật liệu của nền kinh tế và trong tương lai sẽ càng lúc càng đắt đỏ và khan hiếm.
Điểm quan trọng nhất là không phải chỉ là vấn đề lưu vực, hay vấn đề khí hậu mà là vấn đề liên ngành, tức là phải xem nước là tài sản chung của xã hội. Nguyên tắc là, nếu anh tạo ra một cái thiệt hại mà liên quan đến nước thì anh sẽ phải đền bù cho nó.
Như vậy, phải có sự phối hợp liên ngành, quy hoạch tốt thì nó phải tính được những thiệt hại ẩn do chúng ta tạo ra những công trình nhân tạo để có mức độ can thiệp về tài chính về chế tài, hay đền bù xã hội sao cho thỏa đáng.
Tôi cho rằng nếu dự luật mà giải quyết được chuyện đấy, đấy sẽ là một bước đột phá có ý nghĩa, giảm bớt gánh nặng cho cái đây là tài nguyên nước.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
Quy hoạch đô thị không dựa trên các yếu tố tự nhiên của dòng chảy, quá trình đô thị hóa khiến nhiều ao hồ bị san lấp, bê tông hóa đã hạn chế khả năng thoát nước tự nhiên của nhiều địa phương. Tình trạng ngập úng đô thị mỗi khi mưa lớn xảy ra ngày càng phổ biến, ngay cả ở những đô thị ven biển, ền núi, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và nền kinh tế.
Những quy định mới của Luật Cấp, thoát nước sẽ khắc phục những bất cập trên?
Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước? Nếu được ban hành, các quy định mới của Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước sẽ nâng cao trách nhiệm của các nhà đầu tư, các nhà quy hoạch khi xây dựng các công trình mới ảnh hưởng đến tài nguyên nước?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
---
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.