Giải pháp hạn chế bị điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong số các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại, Mỹ là thị trường sử dụng điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam, với xu hướng ngày càng tăng.

Nếu không có các biện pháp tích cực để hạn chế bị áp dụng biện pháp lẩn tránh sẽ ảnh hưởng không chỉ tới doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể, mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. 

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

Tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/12, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ là một trong số những quốc gia trên thế giới sử dụng một cách rất chủ động cũng như tích cực các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đây là một trong số những quốc gia có số lượng các vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hàng đầu trên thế giới và cũng là một trong những quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Tính đến nay, đã có 51 vụ việc được Hoa Kỳ áp dụng, chiếm khoảng 1/4 số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung chia sẻ, nếu như nói lẩn tránh thì thường nghĩ đến vấn đề có thể có hoạt động gian lận, hoặc là có những hành vi gian lận trong thương mại để tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ban đầu. Tuy nhiên ở đây cuộc điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ còn có tính chất rộng hơn, tức là không chỉ điều tra những hành vi gian lận mà còn điều tra để xem hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam có lớn hay không.

"Có thể hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đôi khi vẫn đáp ứng các quy tắc về xuất xứ nhưng theo các quy định của Hoa Kỳ thì chưa có hàm lượng giá trị gia tăng đáng kể. Như vậy, Hoa Kỳ vẫn cho rằng hàng hóa đó có thể là đối tượng bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh mà thực tế là các biện pháp mở rộng của biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp chống phá giá mà Hoa Kỳ đã áp dụng với các nước khác", ông Trung phân tích.

Cá tra - ba sa là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (Ảnh nh họa: VnEconomy)

Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, quy định mới của Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan của nước này trong quá trình khởi xướng điều tra. Biện pháp phòng vệ thương mại được Hoa Kỳ áp dụng với các quốc gia tăng cường trong năm 2022, nhất là sau hai quý đầu năm Hoa Kỳ khôi phục lại các biện pháp bình thường hóa mở cửa thị trường các hoạt động kinh tế và quan hệ thương mại với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ không chỉ áp với các mặt hàng từ Việt Nam mà còn với những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan. Hơn nữa, trong năm 2022 số lượng các vụ việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá chống trợ cấp tăng cao, một trong những lý do là hàng của Việt Nam có cường độ cũng như tỷ trọng, giá trị tuyệt đối gia tăng rất nhanh.

Để hạn chế hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, ông Đỗ Ngọc Hưng coh rằng, các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu doanh nghiệp phải tạo được các giá trị gia tăng giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó cũng góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng, với ngành thép, các vụ việc phòng vệ thương mại tăng lên từ việc gia tăng sản lượng của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ. Nguyên nhân do chủ trương phát triển ngành sản xuất thép nội địa của Hoa Kỳ. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước nên Hoa Kỳ có các chính sách để bảo hộ sản xuất trong nước.

Theo đại diện Hiệp hội thép, để ứng phó với những vụ việc điều tra của Hoa Kỳ thì đòi hỏi cần phải huy động một lực lượng nguồn lực khá lớn, từ cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, luật sư, bộ máy của các doanh nghiệp cũng cần phải có một nguồn lực rất lớn mới có thể đảm bảo được việc đáp ứng được một cách đầy đủ và đảm bảo thời gian của cơ quan điều tra yêu cầu.