Giá thuê nhà ở xã hội 96.000 đồng/m2: Bao giờ chạm đến giấc mơ an cư?

Vừa qua UBND TP.HCM đưa ra dự thảo mới nhất về việc xây dựng khung giá cho thuê nhà ở xã hội với mức giá khởi điểm 96.000 đồng/m2 đã khiến nhiều người dân, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập thấp, cảm thấy lo lắng và bất ngờ.

Mức giá này được người dân đánh giá khá cao so với mức thu nhập trung bình hiện tại của họ, đặc biệt các hộ dân thuộc diện giải tỏa nhà ven kênh rạch như rạch Xuyên Tâm. 

Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã xây dựng 3 dự thảo quyết định của UBND TP.HCM ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội cho các đối tượng ưu tiên. Mỗi m2 nhà xã hội tại TP.HCM sẽ được xác định dựa trên mức giá do thành phố quy định cứng thấp nhất 96.000 đồng kèm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phân bổ vào căn hộ.

Cụ thể, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân có giá từ 96.000 đồng/m2/tháng đến 235.000 đồng/m2/tháng (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng). Nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp có giá từ 87.000 đồng/m2/tháng đến 143.000 đồng/m2/tháng (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng).

Giá thuê nhà ở do các cá nhân đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để các đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê trên địa bàn TP.HCM có đề xuất từ 66.000 đồng/m2/tháng đến 121.000 đồng /m2/tháng (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng).

Với mức giá trên nhìn nhận ban đầu có vẻ rất hợp lý, song với người dân người thu nhập thấp, trung bình vẫn khó tiếp cận.

Với mức cho thuê 96.000 đồng/m2/ tháng thì khó lòng cho đối tượng thu nhập thấp thuê nhà ở xã hội

Bà Nguyễn Thanh Thủy, sống tại rạch Cầu Bông thuộc diện giải tỏa trong dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm của TP.HCM, lo lắng mức đền bù không thỏa đáng, lúc đang chờ tái định cư bà thuộc diện thuê nhà ở xã hội. Song, với mức giá 96.000 đồng/m2/ tháng dường như quá sức với gia đình bà:

“Với 96.000 đồng/ m2 thì 100 m2 là bao nhiêu? Làm sao thuê nổi, nhà tôi nếu nhà trệt có lầu thì được. 100 m2 thì gần 10 triệu đồng/ tháng, làm sao đảm bảo một tháng có 10 triệu đi thuê nhà. Nói 96.000 đồng ban đầu tưởng ít lắm nhưng thực ra không ít. Bây giờ thuê 50m2 thì không ở được, 50m2 phải có trệt có lầu mới được, 100m2 thì 10 triệu/ tháng thì lấy đâu ra, đâu có rẻ”.

Tương tự, bà Ngô Kim Hoàng (Bình Thạnh) cũng thuộc diện giải tỏa trắng trong dự án rạch Xuyên Tâm lo lắng vì số tiền đền bù không đủ để mua một nền tái định cư. Đi thuê nhà với mức ưu đãi theo diện cho thuê nhà ở xã hội (NƠXH), bà Hoàng cũng băn khoăn khi di dời buôn bán không được, thu nhập đâu ra để thuê nhà:

“70-80m2 mới ở đủ nhưng mà thuê là không nổi rồi. Tại vì tôi ở đây buôn bán, có thu rồi con đi làm cũng có thu nhập. Bây giờ nghĩ đi chỗ khác tôi không thể buôn bán được, mất thu nhập không lẽ con tôi vừa nuôi tôi vừa trả tiền nhà nữa thì làm sao. Tôi là sợ cái vụ thuê nhà lắm, từ hồi nào ở nhà mình không tốn tiền nhà mà bây giờ mình đi thuê bỏ ra 8-9 triệu thuê nhà, rồi còn phải ăn uống, sinh hoạt nữa, làm sao được”.

Nhiều chuyên gia cho rằng mức thuê nhà ở xã hội ở mức dưới 30% thu nhập người dân thì chính sách cho thuê mới khả thi.

Cuối tháng 10/2024, ông Lý Thanh Long tại cuộc họp báo kinh tế xã hội TP.HCM cho biết, dự án rạch Xuyên Tâm là trọng điểm của thành phố, có quy mô di dời đến 2.215 căn:

“Hiện nay, ngân sách thành phố chỉ cân đối với các dự án chuyển tiếp đang triển khai, một số dự án trọng điểm, cấp bách, ưu tiên đầu tư. Hạn chế bố trí vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, vấn đề này cũng làm ảnh hưởng một phần đến tiến độ thực hiện.

Về quy định pháp luật thì căn cứ Luật Đất đai số 31 ngày 18/1/2024 của Quốc hội thì hiện nay Sở Tài nguyên Môi trường đang tham mưu thành phố trong việc ban hành biện pháp, mức hỗ trợ để đảm bảo chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất vật chất cho người dân có đất bị thu hồi”.

Trả lời VOV Giao thông, bà Phạm Thị Miền, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, mức giá 96.000 đồng/ m2  chỉ có đối tượng thu nhập trung bình khá mới tiếp cận và những người yếu thế thu nhập thấp gần như là không thể.

Xét mặt bằng chung thì một căn tầm 70-80m2, gần trung tâm đầy đủ tiện ích cũng tầm 15-20 triệu, trong khi nhà thương mại không phải nộp hồ sơ, trình duyệt chỉ thông qua chủ nhà. Còn nhà ở xã hội tất nhiên phải có điều kiện xét duyệt và người thuê phải chứng nh các điều kiện từ nhiều bên, làm thủ tục rắc rối mà nhận lại quyền lợi không nhiều thì không mấy ai hào hứng việc thuê nhà ở xã hội.

Theo bà Miền cần có sự hỗ trợ sâu hơn nữa từ phía nhà nước thì người thu nhập thấp mới có cơ hội an cư lạc nghiệp, bà nhấn mạnh thêm giá thuê không quá 30% tổng thu nhập thì chính sách này mới đi vào thực tế:

“30% là phù hợp chứ vượt qua hơn nữa tôi nghĩ rất khó, chúng ta cũng biết nhà ở cũng chỉ một phần thôi, để duy trì cuộc sống họ còn nhiều chi phí khác nữa. Bao gồm tiền ăn học con cái, sinh hoạt, dự phòng cho ốm đau bệnh tật, các chi phí đối nội đối ngoại…Nếu họ chi một khoản lớn liên quan đến vấn đề nhà ở thì thật sự là gánh nặng”.

Nguồn cung nhà ở xã hội thực sự đang khan hiếm nhưng vẫn đang có nhiều chung cư nhà ở xã hội đìu hiu

Từ năm 2021 đến nay, TP.HCM đưa vào sử dụng 6 dự án với quy mô 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án với 3.000 căn hộ. Theo kế hoạch từ nay đến 30/4/2025, thành phố khởi công thêm 5-6 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 6.000 căn.

Cuối tháng 8/2024, thành phố cũng vừa khởi công một dự án nhà ở xã hội quy mô 4 block chung cư cao 5 tầng, gồm 1.445 căn nhà ở xã hội theo hình thức cho thuê. Dự án này có kế hoạch hoàn thành và bàn giao năm 2026.

Hy vọng, nguồn cung nhà ở cho thuê xã hội dồi dào và giá cả thuê giảm sâu hơn nữa trong giai đoạn trung hạn sắp tới. Chỉ có như vậy những người thu nhập thấp mới mơ chạm đến một cuộc sống an cư.