Giá thuê cao, người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội

Mức giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến dao động từ 5-10 triệu đồng/ tháng, mức giá này được đánh giá là cao so với khả năng chi trả của người thu nhập thấp – nhóm đối tượng chính mà nhà ở xã hội hướng tới.

Vừa qua, TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước tiến hành lấy ý kiến để ban hành mức giá cho thuê nhà ở xã hội trên địa bàn.

Theo đó, mức giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến dao động từ 5-10 triệu đồng/ tháng, mức giá này được đánh giá là cao so với khả năng chi trả của người thu nhập thấp – nhóm đối tượng chính mà nhà ở xã hội hướng tới.

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc tiếp thị kinh doanh CBRE Việt Nam về nội dung này.

Mức giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến dao động từ 5-10 triệu đồng/ tháng, được đánh giá là cao so với khả năng chi trả của người thu nhập thấp.

PV: Ông nhận định ra sao về việc các địa phương trong đó có TPHCM lấy ý kiến ban hành mức giá cho thuê nhà ở xã hội?

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt: Đây là động thái phù hợp vì hiện nay ở các thành phố lớn, nhu cầu nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu ở thực.

Hầu hết các sản phẩm bất động sản có mức giá khá cao và nằm ngoài khả năng chi trả của rất nhiều bộ phận người dân. Nên việc nhà nước tập trung vào nhà ở xã hội và tạo điều kiện thông qua việc xây dựng mức giá thuê cũng là động thái phù hợp đối với nhu cầu chung của người dân

PV: Trở lại với TPHCM hay Hà Nội, mức giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến từ 96.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/m2/tháng, tương đương từ 5-10 triệu đồng/tháng. Liệu mức giá này có phù hợp với các đối tượng thu nhập thấp đang muốn tiếp cận với nhà ở xã hội?

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt: Đây mới là vấn đề, hiện nay chúng ta đang đưa ra mức giá tối thểu và mức giá tối đa đối với phân khúc nhà ở xã hội với diện tích trung bình từ 40-50m2 là khá cao, thậm chí tương đương với mức giá thuê nhà hiện tại ở một số khu vực.

Do đó, tôi nghĩ rằng các địa phương cần xem xét rõ và có tính toán cụ thể vì với mức giá này thì không khác gì giá thuê của các sản phẩm nhà ở thông thường hiện nay. Và vì thế rất nhiều gia đình có thu nhập trung bình sẽ rất khó tiếp cận với mức giá thuê này.

Với 1 gia đình điển hình với 3, 4 thành viên thì mức giá thuê nhà 5-10 triệu đồng/tháng là khá cao so với thu nhập của các gia đình có thu nhập trung bình hay các gia đình trẻ.

Tôi nghĩ rằng chính quyền thành phố đặc biệt là các thành phố lớn cần xem xét để đưa ra những mức giá phù hợp với cả người thuê lẫn các chủ đầu tư, chủ nhà trọ xây nhà cho thuê, làm sao để hài hoà được lợi ích của 2 bên.

PV: Theo ông, đâu là điều mà các địa phương cần chú ý để người có nhu cầu có thể thuê được nhà và các chủ đầu tư có thể tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này?

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt: Rõ ràng, việc phát triển nhà ở xã hội và đưa được sản phẩm này đến tay người dân có nhu cầu thực là bài toán cần rất nhiều lời giải.

Một yếu tố tôi cho rằng là điểm nghẽn chính là chi phí phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhiều chi phí đất, chi phí vốn, chi phí liên quan đến pháp lý…làm phát sinh chi phí rất nhiều cho tổng mức đầu tư.

Các chủ đầu tư cũng nhận thấy việc đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận không đảm bảo nên sự hấp dẫn đối với phân khúc nhà ở giá rẻ là không cao. Do đó dẫn đến nguồn cung ít, không chỉ vậy với chi phí đầu vào cao thì mức giá đầu ra của sản phẩm cũng khó phù hợp được với đại đa số người thu nhập trung bình.

Do vậy, tôi cho rằng cần có nhiều cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về chi phí, thủ tục pháp lý một cách nhanh chóng, gọn gàng, lẹ làng cũng như những cơ chế hỗ trợ về vốn vay, quỹ đất sạch, đất giá rẻ…từ đó mới có thể có những sản phẩm nhà ở giá rẻ phù hợp.

Từ đó, người dân mới có được mức giá thuê, giá mua tương đối đáp ứng được với khả năng chi trả hay thu nhập của họ.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!