Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích, chưa đáp ứng quy định về ưu đãi, nhằm tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Tại tọa đàm Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA diễn ra ngày 9/12, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, 20% kim ngạch của các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA, với tổng giá trị kim ngạch khoảng 18,7 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện hiệp định là kết quả đáng ghi nhận.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng. Trong đó, một số mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản...

“Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong kim ngạch thương mại Việt Nam-EU hiện nay vẫn được đánh giá chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Còn rất nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích và chưa đáp ứng quy định về chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi, nhằm tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA”, bà Hiền nhận định.

Thủy sản là một trong những mặt hàng đang tận dụng hiệu quả EVFTA - Ảnh Báo Nhân Dân

Bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh, để có thể gia tăng được tỷ lệ về xuất xứ đối với hàng Việt Nam xuất khẩu đi EU, hiện nay Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa để tạo hành lang pháp lý và có những quy định cụ thể, nh bạch liên quan đến vấn đề này. 

Đồng thời, Cục xuất nhập khẩu đang nỗ lực và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan, như Tổng cục Hải quan và các hiệp hội ngành hàng để có những cuộc tập huấn, đào tạo kịp thời cho doanh nghiệp, để làm sao đáp ứng được đúng những quy định khắt khe của EU.

Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục phối hợp và chủ động phối hợp với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp chứng nh hàng hóa có xuất xứ đáp ứng theo quy định của EVFTA…

Bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan

Theo bà Đặng Thị Hải Bình, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng đúng quy định của cả Việt Nam và quy định của EU.

"Liên quan đến quy tắc xuất xứ để thực hiện mỗi hiệp định thương mại tự do sẽ có quy định riêng và để đáp ứng, để tận dụng được thuế ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định thì doanh nghiệp cần phải nắm chắc các quy định về xuất xứ hàng hóa và mỗi hiệp định có một quy định riêng", bà Bình chia sẻ.

Bà Đặng Thị Hải Bình cho biết, trong Hiệp định có quy định rất rõ chứng từ chứng hiện xuất hàng hóa áp dụng cho hàng xuất khẩu xuất xứ Việt Nam sang EU là chứng từ gì và quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU đến Việt Nam để áp dụng ưu đãi đặc biệt là hình thức chứng từ gì.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đánh giá, Hiệp định EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày.

Tuy nhiên, theo bà Xuân, sản phẩm chủ lực của ngành da giày là giày thể thao nhưng để làm mặt hàng này, doanh nghiệp đang phải nhập khẩu khá nhiều, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Vì vậy, thời gian tới, cần phải thu hút thêm đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Để làm được điều này, bà Xuân cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, xây dựng vùng nguyên liệu, ứng dụng cộng nghệ mới, thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của EU…