Giá ngô và lúa mì cùng tăng vọt, lấy lại sự chú ý của thị trường

Kết thúc phiên giao dịch 10/11, thị trường nông sản đồng loạt tăng mạnh, trong đó dẫn đầu đà tăng là ngô và lúa mì.

Nông sản

Đậu tương đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0.39% trong khi các mặ thàng nông sản còn lại đều được hỗ trợ bởi đà tăng mạnh mẽ. Hoạt động gieo trồng đậu tương diễn ra thuận lợi ở Brazil đang là yếu tố “bearish” hạn chế đà tăng của giá. Hiện tại, tiến độ đã đạt đạt 67% diện tích dự kiến, tăng 15% trong tuần qua và nhanh hơn so với mức 56% cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tốc độ gieo trồng nhanh thứ hai trong lịch sử, chỉ sau niên vụ 2018/19.

Dầu đậu tương cũng tăng nhẹ hơn 1% bất chấp mức rơi mạnh của giá dầu thô. Áp lực trái chiều với dầu đậu trong bối cảnh giá đậu tương chỉ biến động nhẹ khiến cho khô đậu tương đóng cửa thay đổi không đáng kể.

Giá ngô tăng mạnh 2.61% và đóng cửa ở sát mức 570 cents. Tại khu vực châu Âu, chi phí phân bón cao do giá khí tự nhiên tăng cũng dấy lên lo ngại về khả năng nông dân sẽ bỏ trồng ngô trong năm tới và chuyển qua trồng loại cây khác sử dụng ít phân bón hơn.

Giá lúa mì tiếp tục duy trì đà tăng mạnh từ đầu tuần với một phiên tăng đột biến hơn 3%. Trong bối cảnh lo ngại về lạm phát giá lương thực trong nước, chính phủ Nga tiếp tục xem xét đưa ra một hạn ngạch xuất khẩu trong nửa cuối niên vụ hiện tại (tháng 01 – 06/2022). Thông tin này dù chưa rõ ràng nhưng đã tác động mạnh tâm lý, khiến thị trường có phần hoảng loạn trong việc ra quyết định mua vào một cách bất chấp. 

Năng lượng

Giá dầu thô bất ngờ đảo chiều giảm mạnh khi đóng cửa ngày 10/11, kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tục trước đó. Như vậy giá dầu đã không thể tạo được mức đỉnh mới kể từ tháng 10 năm 2014 tới nay, một phần do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ khi giá đã lên cao, một phần do đồng Dollar Mỹ tăng mạnh gần 1%, nhưng chủ yếu do số liệu tồn kho dầu tăng lên trong báo cáo của EIA. Cụ thế, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 giảm 3.3% xuống còn 81.34 USD/thùng và giá dầu Brent tháng 1 giảm 2.5% xuống còn 82.64 USD/thùng.  Mở cửa sáng nay, thị trường đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ trở lại.

Giá dầu bắt đầu giảm kể từ sau báo cáo cho thấy chỉ số CPI tháng 10 tại Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua, cùng với thông tin từ nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống J.Biden yêu cầu hạ nhiệt giá năng lượng trong trước. Ngay lập tức đồng Dollar Mỹ tăng giá mạnh, và gây áp lực lên giá dầu thô sau đó. 

Tuy nhiên, lực bán chỉ thực sự mạnh lên sau báo cáo vào lúc 22:30 của EIA cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng tuần thứ 3 liên tiếp, trái ngược với báo cáo giảm tồn kho trước đó của API. Đây là mức tồn kho cao nhất trong vòng 3 tháng qua, cho thấy hoạt động sản xuất được khôi phục lại ở Mỹ hiện vẫn thừa để đáp ứng nhu cầu tăng lên trong nước. Điều này khiến các lo ngại cầu vượt cung trước đó trở nên không thực tế và việc giá dầu giảm trở lại cũng là điều rất dễ hiểu.