Giả mạo… người khuyết tật để qua cửa sân bay nhanh

Chờ đợi làm thủ tục ở sân bay là khoảng thời gian có thể khiến nhiều hành khách cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Để ‘đi đường tắt’, một số người không ngại… giả làm người khuyết tật nhằm hưởng những ưu đãi đặc biệt từ các hãng hàng không.

Nhiều hãng hàng không tại Mỹ đang ‘khóc dở, mếu dở’ với tình trạng hành khách giả mạo người khuyết tật để qua cửa an ninh sân bay nhanh.

Ông Barry Biffle, Tổng giám đốc điều hành Frontiers Airlines cho biết, vấn đề mới phát sinh đang gây khó khăn cho các hãng hàng không, bởi quá nhiều hành khách lợi dụng dịch vụ trợ giúp khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian và tiền bạc: “Có tình trạng lạm dụng tràn lan các dịch vụ đặc biệt. Nhiều người sử dụng xe lăn hỗ trợ mà thực tế không cần đến nó chút nào”.

Đạo luật Hỗ trợ tiếp cận hàng không năm 1986 tại Mỹ yêu cầu các hãng bay phải cung cấp xe lăn, người giúp đỡ, cùng nhiều ưu tiên cho hành khách là người khuyết tật đi máy bay.

Đầu tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg công bố quy định ‘mở rộng các quyền cho người khuyết tật’, đồng thời xử lý nghiêm các hãng hàng không vi phạm. Tuy nhiên, đây lại trở thành kẽ hở khiến nhiều tìm cách người lợi dụng.

Tổng giám đốc điều hành Frontiers Airlines cho biết, vấn đề mới phát sinh đang gây khó khăn cho các hãng hàng không - Ảnh Getty

Theo ông Barry Biffle, các hãng hàng không phải chi từ 30 đến 35 USD cho mỗi lần hành khách yêu cầu xe lăn, và việc lạm dụng dịch vụ này sẽ dẫn đến sự chậm trễ cho những hành khách thực sự cần hỗ trợ: “Tôi từng chứng kiến một số chuyến bay của Frontiers Airlines có tới 20 người được đưa vào bằng xe lăn khi khởi hành, nhưng khi đến nơi chỉ 3 người thực sự cần đến chúng”.

Vị giám đốc điều hành Frontiers Airlines sau đó nói đùa, có thể việc đi máy bay đã ‘chữa khỏi bệnh’ cho rất nhiều người. Tuy nhiên, ông đề suất, cần có chế tài xử phạt nghiêm cho hành vi giả mạo và lạm dụng các dịch vụ dành cho người khuyết tật.

Chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, nhưng bà Pauline Frommer, người sáng lập trang web cẩm nang du lịch Frommer Guidebooks cho rằng, việc xử lý tình trạng giả mạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn: “Các nhân viên hàng không có thể nắm rõ tình trạng một số người lạm dụng xe lăn để được ưu tiên lên máy bay nhanh hơn. Nhưng vấn đề là khó bắt hay xử lý. Bởi tất cả chúng ta đều biết có những dạng khuyết tật vô hình và đây là vấn đề nhạy cảm”

Thực tế, không ít hãng vận tải, từ đường bộ tới hàng không, từng vướng vào lùm xùm, bị dư luận chỉ trích gay gắt vì yêu cầu hành khách chứng nh tình trạng khuyết tật.

Ông John Morris, người khuyết tật cả 2 chân và là nhà sáng lập trang ‘Du lịch bằng xe lăn’ cho rằng, vấn đề này nên được xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận. Bởi thực tế, một số người khuyết tật có thể cần xe lăn hỗ trợ ở nơi khởi hành nhưng lại không cần khi tới nơi: “Họ có thể cần sự trợ giúp để đi qua một sân bay lớn như Atlanta hoặc New York nhưng không cần khi tới các sân bay nhỏ hơn. Tình trạng khuyết tật tác động tới con người theo nhiều cách khác nhau. Theo tôi, những người giả mạo phải chịu một số hậu quả nhưng vấn đề là chúng ta sẽ phân biệt thật giả như thế nào, bởi yếu tố khuyết tật không phải lúc nào cũng dễ thấy”.

Ảnh nh họa PA

Không chỉ tại Mỹ, tình trạng giả người khuyết tật còn xuất hiện ở một số sân bay trên thế giới. Ông John Holland Kaye, nguyên Giám đốc điều hành sân bay Heathrow London chia sẻ, sân bay này từng phải vật lộn để ứng phó với nhu cầu từ 110.000 đến 125.000 lượt khách khởi hành mỗi ngày.

Tình trạng thiếu hụt nhân sự càng trở nên căng thẳng, khi một số hành khách cố tình giả mạo người khuyết tật để sử dụng dịch vụ hỗ trợ xe lăn, nhằm cố gắng di chuyển nhanh qua cửa an ninh: “Nếu bạn vào Tik Tok, hành vi giả mạo này được xem là một trong những mẹo ‘hack du lịch’ mà nhiều người đưa ra lời khuyên. Nhưng xin đừng làm như vậy. Chúng ta cần bảo vệ dịch vụ này cho những người thực sự cần nó nhất”.

Tại Việt Nam, Thông tư 81/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung thì người khuyết tật được coi là hành khách đặc biệt được vận chuyển.

Theo đó, bên cạnh các nghĩa vụ như đối với hành khách thông thường, các hãng hàng không phải bố trí nhân viên chăm sóc, hỗ trợ; tổ chức và triển khai các loại hình dịch vụ hỗ trợ trong quá trình vận chuyển người khuyết tật. Miễn phí cước vận chuyển công cụ hỗ trợ của người khuyết tật như xe lăn, nạng, gậy dẫn đường,…

Ngoài ra, tùy từng hãng hàng không sẽ có quy định cụ thể riêng về thể loại dịch vụ hỗ trợ bắt buộc cho người khuyết tật.

Không chỉ nhận được hỗ trợ từ các hãng hàng không, theo Nghị định 28/2012 của Chính phủ, người khuyết tật đặc biệt nặng còn được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa. Trong đó, giảm tối thiểu 15% khi đi máy bay.