Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, việc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội buộc phải dừng tàu sau khi xảy ra sự cố tại ga Cầu Giấy hôm 24/10, tại thời điểm xảy ra sự cố, Hanoi Metro - đơn vị vận hành không có nhân sự trực.

Bởi vậy, Sở GTVT Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Hanoi Metro khẩn trương tuyển dụng nhân sự còn thiếu và bảo đảm năng lực của đội ngũ nhân sự trực tiếp tham gia vận hành.

Vậy vì sao không có cán bộ kỹ thuật trực tại các ga? Nguồn nhân lực vận hành đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội có thực sự thiếu? Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro.

PV: Vừa qua trên tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đã xảy ra sự cố mất điện, và theo kết luận của Sở GTVT Hà Nội, tại thời điểm đó, nhà ga không có nhân sự trực. Ý kiến của ông như thế nào về điều này?

Ông Vũ Hồng Trường: Để tuyến đường sắt đô thị đưa vào vận hành thì phải được nghiệm thu và chứng nhận an toàn hệ thống của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và trong chứng nhận an toàn hệ thống đó có chứng nhận về đội ngũ nhân lực vận hành.

Vừa qua trên tuyến Nhổn – Ga Hà Nội có sự cố mất điện, thì đây là sự cố bình thường nằm trong 57 tình huống đã đươc diễn tập khi vận hành thử.

Theo quy trình, nhân sự trực về điện sẽ trực tại deport Nhổn, và hàng ngày theo quy trình có tuần tra, kiểm soát, nên lúc xảy ra sự cố, nhân sự phải di chuyển từ khu deport Nhổn lên để xử lý theo quy trình.

Còn ý kiến của Sở GTVT là người ta nói chung vậy, tức là rà soát để đảm bảo nhân sự để vận hành an toàn. Và tôi khẳng định tuyến đến nay vẫn vận hành an toàn và thực hiện theo đúng quy trình, quy định.

Ảnh: Hải Bằng

PV: Với kết luận của Sở GTVT Hà Nội về việc thiếu nhân lực vận hành tuyến này và cần khẩn trương tuyển dụng các nhân sự còn thiếu và bảo đảm năng lực của đội ngũ nhân sự trực tiếp tham gia vận hành, ông có bình luận gì?

Ông Vũ Hồng Trường: Tôi đã nói ngay từ đầu là đã phải có chứng nhận nhân sự đủ đảm bảo thì người ta mới cho vận hành. Còn trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh, không hợp lý thì sẽ phối hợp với các bên để điều chỉnh cho phù hợp.

Vậy có cách nào rút ngắn thời gian di chuyển từ khu deport đến các ga, nếu không may xảy ra sự cố, bởi theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, phải sau 30 phút cán bộ kỹ thuật của nhà thầu mới tiếp cận được khu vực xảy ra sự cố?

Bây giờ giờ cao điểm thì bên dưới tắc đường, bên trên thì tàu không chạy được. Người ta đã phải điều hành bằng điện thoại để xử lý một cách nhanh nhất theo đúng quy trình. Còn thời gian 30 phút là đã xử lý xong và khôi phục chạy tàu bình thường, chứ không phải 30 phút cán bộ kỹ thuật mới xuất hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ảnh: Hải Bằng

Trao đổi thêm với VOV Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, khi có sự cố cần ưu tiên an toàn cho hành khách là cao nhất, nên cần có thông báo và hướng dẫn kịp thời của đơn vị vận hành; đồng thời rà soát các khâu, các quy trình liên quan để kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Hệ thống nào cũng có các sự cố, điều này là không tránh khỏi, nhưng đối với hệ thống đường sắt đô thị thì người ta đều có các tình huống xử lý sự cố, đã được tập huấn, có lực lượng xử lý.

Do vậy, khi có các tình huống bất trắc hoặc có sự cố xảy ra thì cần thông báo cho hành khách và hướng dẫn cho hành khách theo các kịch bản xử lý các tình huống để có thể hợp tác và xử lý một cách an toàn, đảm bảo an toàn chung cho cả hệ thống. Những việc này về phía nhà vận hành, trong quy trình của mình cũng phải có thông tin và có hướng dẫn kịp thời cho hành khách.

Còn lại sau sự cố thì rõ ràng các hệ thống, cả cơ quan quản lý, cả đơn vị vận hành cần phải có cái rà soát lại quy trình, rồi tiếp tục hoàn thiện lại nếu cần thiết, đồng thời tiếp tục củng cố hệ thống thông tin để khi xảy ra những tình huống tương tự thì chúng ta sẽ có những phản ứng kịp thời hơn và hỗ trợ cho hành khách một cách tích cực hơn".