Đường phố ở TP.HCM vắng hẳn trong ngày cuối tuần vì virus corona

Trước thông tin Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho bệnh nhân dương tính với virus corona khiến người dân bắt đầu lo lắng. Là ngày cuối tuần, tuy nhiên, nhiều khu vực tại TP.HCM đã vắng hẳn.

Đây là bệnh nhân viêm phổi do virus corona thứ 7 ở Việt Nam. Trước khi nhập viện, người này lưu trú tại phòng 202 khách sạn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3). Ông T.H.K. phát bệnh ngày 26/1, vào viện ngày 31/1. Bệnh nhân có tiền sử phì đại tiền liệt tuyến. Hiện tại, bệnh nhân không sốt, không đau cơ, ho khan, đôi khi có khó thở. Việt kiều quốc tịch Mỹ về nước và ngày 15/1 quá cảnh ở Vũ Hán, Trung Quốc, hiện đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vì nhiễm virus corona.
Trước thông tin này, nhiều người dân ở TP.HCM bắt đầu cảm thấy lo lắng. Ngay trong chiều tối ngày 2/2, nhóm phóng viên của Kênh VOV Giao thông đã có ghi nhận nhanh. Ở địa bàn quận 9 và Thủ Đức, trên 2 trục đường chính Lê Văn Việt và Võ Văn Ngân, nhiều người tham gia giao thông hầu như đã đeo khẩu trang.
Tại trung tâm thương mại Vincom, lượng người đến mua sắm và ăn uống giảm rõ rệt. Liên tục loa phát thanh trong vincom đều kêu gọi mọi người nên đeo khẩu trang khi đến đây. Nhân viên làm việc tại đây, 100% bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Tâm trạng lo lắng, chị Thanh Nhàn (ngụ quận Thủ Đức) mấy ngày nay, chị rất hạn chế ra đường, vì sợ lây bệnh.

 

“Bây giờ tụi em đi ra những nơi công cộng thì có những người dân người ta không có ủa thức được cái bệnh đó như thế nào? Ở nơi đông người tụi em không có cản được là ai là người mắc bệnh, ai là người không mắc bệnh, rất là lo lắng. Còn khẩu trang y tế thì có nhiều người có khi ngại cái khẩu trang, người ta không biết cái tác dụng của khẩu trang, hai ba ngày cũng xài một cái luôn. Bây giờ đi ra ngoài đường rất là sợ luôn. Tết này là hầu như em ở nhà không luôn, bây giờ ra đường đâu biết người nào bệnh người nào không có bệnh đâu nên rất là sợ”.

Nhiều nhà thuốc tại 2 quận này, nhiều người dân ghé mua khẩu trang y tế nhưng đều báo hết hàng, mai quay lại. Tại các cửa hàng của Pharmacity, người dân muốn mua khẩu trang phải đặt trước.
Khi chúng tôi hỏi giá tại nhiều cửa hàng tại đây thì được thông báo là 35k/1 hộp loại 3 lớp, nhưng vẫn không đủ để bán.

Tuy nhiên, 1 số người lớn tuổi cho biết, họ cũng nghe nói về dịch bệnh này nhưng hầu như chưa có kiến thức và nắm về cách phòng tránh virus corona.

 

“Tôi lo lắng lắm, không biết sao, bị nhiều lắm. Lo lắng nhiễm bệnh, bộ phận trong người mình ak, suy nhược cơ thể, rồi phổi này nọ. Tôi nghe nói vậy thôi à, chứ chưa nắm rõ cách phòng tránh…” ông Minh (60 tuổi, ngụ quận 9) nói trong lo lắng.

Ở các khu vực trung tâm thành phố, các khu vực mua sắm, trung tâm thương mại, lượng người đến đây giảm rõ rệt.
Tất cả những nhân viên làm việc tại nơi đông người, đều bắt buộc phải mang khẩu trang y tế để phòng bệnh.
Ghi nhận tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) vào tối cùng ngày, tuy là ngày cuối tuần nhưng lượng người đến vui chơi giảm hẳn.
Tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), tuy đang là cao điểm lượng khách trở lại thành phố để học tập và làm việc nhưng do tâm lý lo ngại virus corona nên khá là vắng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Hoàng Huy (Phó giám đốc Bến xe Miền Đông) cho biết, lượng khách giảm từ 5 đến 10% so với cùng kỳ.
Riêng công tác phòng chống dịch bệnh virus corona, ông Huy cho biết, bến xe đã có văn bản thông báo cho các đơn vị vận tải để phòng ngừa. Ngoài ra, bến xe trang bị thêm khẩu trang, nước rửa tay và máy đo nhiệt độ để phát hiện kịp thời.
 

“Trước tình hình bệnh dịch mà có vi rút corona thì bến xe Miền Đông cũng đã có văn bản thông báo với các đơn vị vận tải phòng ngừa, qua đó bến xe Miền Đông cũng đã trang bị thêm những khẩu trang cũng như các chất tẩy rửa để mà phòng chống dịch bệnh, cũng sắm thêm những máy đo nhiệt độ để qua công tác để phát hiện kịp thời. Rồi tăng cường công tác phát thanh và cũng như niêm yết các màn hình điện tử trong bến xe Miền Đông để cho các hành khách cũng như cán bộ công nhân viên phòng ngừa" ông Huy thông tin.

Về hoạt động giám sát tại sân bay Tân Sơn Nhất, quán triệt Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của ngành Y tế đã thống nhất một số nội dung cấp bách cần được triển khai nghiêm túc. Yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, thực hiện tờ khai y tế đối với các hành khách đến từ vùng dịch. Nếu có hành khách có triệu chứng rõ rệt, chuyển ngay về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị, xét nghiệm theo quy trình Bộ Y tế hướng dẫn.
Nếu có các triệu chứng chưa rõ ràng, hướng dẫn khách đến khách sạn hoặc nơi đăng ký cư trú, đồng thời báo cơ quan y tế địa phương đến tổ chức giám sát trong vòng 14 ngày tiếp theo.

Đối với công tác phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ tại sân bay, ông Nguyễn Hồng Tâm (Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM), thông tin, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt, tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt hành khách quốc tế nhập cảnh. Đối với hành khách đến từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc), bố trí cổng đi riêng và kiểm tra sức khỏe chặt chẽ.

 

“Khu vực sân bay tăng cường giám sát phát hiện và cách ly, cũng như lấy đợt hai những hành khách đến từ Trung Quốc. Bây giờ các chuyến bay đến từ Trung Quốc chính thức ngưng rồi nhưng mà vẫn còn những hành khách đến từ chuyến bay khác tới mình, từ hành khách Trung Quốc vẫn còn xử lí đợt hai và kiểm tra thân nhiệt nếu mà có dấu hiệu gì thì sẽ chuyển đi cách ly và những hành khách mà tiếp xúc gần sẽ lập danh sách và để cho theo dõi cộng đồng, giám sát chặt cộng đồng, để khi có phát hiện gì thì mình cách ly kịp thời để mà không có để lây lan.

Rồi công tác truyền thông trong đó thì truyền thông thông qua tờ rơi, website và đặc biệt là các màn hình truyền trong trong sân bay, truyền thông tất cả các nội dung của bộ Y tế, cục y tế dự phòng. Những cách ví dụ mà cách ngăn ngừa bệnh, cách mà xử lý khi mà có dấu hiệu gì thì đi đến những nơi nào, những các hotline đường dây nóng” ông Tâm thông tin.

Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương về việc cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non, tiểu học, THCS và THPT tạm nghỉ học. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với các tỉnh, thành phố chưa công bố dịch, Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh,thành phố quyết định việc nghỉ học của học sinh trên cơ sở tham mưu đề xuất của sở GD-ĐT và sở y tế.