Dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ (Bài 1): Buồn nơi đáy mắt

Căn nhà sàn xinh xắn của chị Nguyễn Thị Loan (thuộc phân khu 1, rừng phòng hộ Cần Giờ) nằm sâu trong cánh rừng ngập mặn. Vợ chồng chị là thế hệ thứ hai giữ rừng, quản lý hơn 120 ha.

Giữ rừng không phân biệt phụ nữ - đàn ông

Chị Loan nhớ lại, hồi 11 - 12 tuổi theo mẹ cắm những cây đước đầu tiên. Nhắc đến kỷ niệm, chị rưng rưng: “Lúc đó theo ba mẹ đi nhận rừng, lúc về không có đồ ăn, ba mới lội đi bắt cá thồi lồi lên luộc chấm muối ớt... Lúc ba mẹ đi trồng rừng, phải ngồi một mình, rồi khóc. Nhưng ở đây ết rồi quen, về nhà một bữa hai bữa rồi mệt. Nói chung là suốt ngày quanh quẩn trong rừng luôn đó”.

Người ta bảo, đi rừng là việc của đàn ông, nhưng lịch sử khu rừng này được viết nên bởi rất nhiều người phụ nữ. Chị Loan cười: “Trong rừng, làm gì phân biệt phụ nữ và đàn ông. Việc gì cũng làm tất. Hồi nhỏ đi rừng cũng “bầm dập” hết. Té ngã liên tục. Người đầy sẹo, thương tích đầy mình”.

Lớn lên dưới tán rừng, những người phụ nữ như chị Loan chạy vỏ lãi băng rừng không kém đàn ông. Làn da rám nắng, nụ cười hiền hậu và giọng nói sang sảng kể cho chúng tôi nghe về một đám cưới đặc biệt giữa rừng với không gian đám cưới cũng vô cùng “thi vị”:

“Hồi đó làm gì có ghe bự như bây giờ đâu. Mượn ghe cào của ông dượng, ổng “cào” xong rồi lên rước khách. Mà trời ơi, tháng 2 nước chảy dài dữ lắm. Rước mấy chuyến vậy đó”, chị Loan kể về đám cưới của mình nhẹ tênh như vậy.

Sáng sớm, chị Loan cùng chồng là anh Nguyễn Văn Lới bặm sâu đôi chân trần xuống lớp bùn sâu bắt ốc len kiếm thêm đồng ra đồng vào:

“Xưa ốc có 200 - 300 đồng/ký, bán mà không ai mua. Bột ngọt thì mua 500 đồng, để trữ dưới kho. Chứ không phải như bây giờ, mua nửa ký ăn dần. Cuộc sống gói ghém vẫn đủ, nhưng vất vả. Cha mẹ để lại rừng như khối tài sản. Cha mẹ hồi đó giữ rừng đã cực khổ rồi, giờ mình cũng ráng. Đến đời con, con có giữ hay không thì tuỳ nó, chứ không ép được...”

Nỗi lo nước ngọt

Sau những kỷ niệm là những tâm tư, nỗi buồn giấu trong ánh mắt của người phụ nữ gắn bó với rừng từ tấm bé. Chị Loan có 3 người con, 2 người con đã lên bờ lập gia đình.

Thuở hàn vi, nuôi con cực nhọc, chị Loan chia sẻ: “Hồi đó, cỡ 500 ngàn cho con đi học cũng không có. Không làm gì ra tiền. Rồi hai đứa nghỉ học. Bên Ban quản lý rừng phòng hộ cũng vận động nhưng học tới lớp 9 thì nghỉ”.

Gia đình chị Loan là 1 trong 135 hộ gia đình được Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ ký hợp đồng để tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra 34.000 ha rừng hàng ngày.

Bồn chứa nước của gia đình chị Loan, nhưng đôi lúc cũng không đủ cho để sinh hoạt

Ở đây, nước ngọt khan hiếm. Chị Loan trữ nước mưa trong những chiếc bồn sau nhà, nhưng đôi lúc cũng không đủ cho gia đình ba người sinh hoạt: “Phải tiết kiệm lắm. Rửa bát, giặt giũ,... có lúc không dám xài nước ngọt đâu”.

Ông Cao Huy Bình, Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: “Địa bàn Cần Giờ không có nguồn nước ngọt tự nhiên. Nên nước ngọt sử dụng từ nguồn nước TP cho người dân. Đối với các hộ giữ rừng, nước ngọt là nhu cầu thiết yếu.

Hiện, người dân vẫn sử dụng nước mưa, mùa nắng thì người dân phải đi mua nước. Dụng cụ trữ nước là vật thiết yếu. TP cũng đầu tư các bồn chứa nước, tuy nhiên, vẫn chưa thể đầy đủ, nên chúng tôi vẫn phải vận động nhà tài trợ hỗ trợ cho người dân”.

RỪNG TRONG THÀNH PHỐ

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, TP.HCM là TP duy nhất của Việt Nam có rừng trong TP. Cần Giờ được ví như “lá phổi” của TP, hoạt động như “quả thận” khi lọc ô nhiễm nước, nó cũng là “bức tường xanh” bảo vệ khu vực khỏi bão lốc và sóng thần từ biển Đông.

Tuy nhiên, Cần Giờ cũng phải đối mặt với những thách thức trong tương lai với tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay. Bởi vậy, mọi quyết sách gắn với Cần Giờ cần phải cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo sinh kế cho người dân giữ rừng.