Đừng làm cho có...

Những năm trở lại đây, người dân đã quen với một số vỉa hè phố có làn đường dành riêng cho người khiếm thị. Thoạt nhìn, có vẻ như đây là một việc làm rất nhân văn và thể hiện sự quan tâm tới công tác chăm sóc người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế liệu người khiếm thị có được "hưởng" quyền lợi này?

 >>> Cải thiện hạ tầng giao thông, mở cánh cửa tiếp cận của người khuyết tật

Khá nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận huyện nội thành của Hà Nội hiện nay sau khi chỉnh trang lát đá vỉa hè lại đều có một làn đường với gờ nổi đặc trưng phục vụ cho việc đi lại của người khiếm thị.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các làn đường này đều bị lấn chiếm và gần như không có cơ hội nào cho người khiếm thị được đi lại thoải mái trên vỉa hè mà không gặp trở ngại.
Thậm chí, chính quyền địa phương còn kẻ vạch để cho phép các đơn vị được sử dụng một phần vỉa hè làm nơi để xe, thế nhưng không biết "vô tình" hay cố ý, phần vỉa hè quy định làm nơi để xe lại cũng chiếm luôn làn đường của người khiếm thị.
Với việc để xe như vậy, nếu người khiếm thị đi theo đúng làn đường của mình, chắc chắn sẽ bị cản trở và có thể xảy ra tai nạn.
Nhà dân, công ty và cả các cơ quan nhà nước đều "vô tư" chiếm dụng vỉa hè, chiếm làn đường cho người khiếm thị làm nơi đỗ xe.
Chưa kể đến việc, có vẻ như người ta làm làn đường với gờ nổi như thế này chỉ để thể hiện rằng, có sự quan tâm tới người khiếm thị, mà không cần biết phải có những ký hiệu nhận biết. Ví dụ như trường hợp này, phần gờ nổi nối từ vỉa hè xuống lòng đường để sang đường không hề có ký hiệu hình tròn để người khiếm thị biết đây là điểm cuối của đường và là nơi để sang đường. Nếu cứ đi theo vạch chắc chắn sẽ gặp tai nạn khi người khiếm thị sẽ bước thẳng xuống lòng đường.
Không có ký hiệu nhận biết, sẽ giống như một cái bẫy...
Rất nhiều nơi như vậy. Có lẽ, người ta chỉ làm cho có???
Một chiếc xe công đỗ ngay trên vỉa hè, vừa lấn chiếm vỉa hè, vừa chiếm luôn cả làn đường cho người khiếm thị... trên phố Phan Chu Trinh
Thậm chí, ngay cả cơ quan nhà nước cũng "chiếm" luôn vỉa hè, làn đường cho người khiếm thị để làm nơi để xe cho cán bộ nhân viên với bảng hiệu rõ ràng.
Nơi có đầy đủ ký hiệu thì bị chiếm dụng làm nơi dừng đỗ xe.
Một nhà hàng dựng luôn biển vẫy trên vạch đi lại cho người khiếm thị.
---
Trước cửa trụ sở một ngân hàng trên phố Ngô Quyền, đơn vị này cho dựng biển cấm trên vỉa hè.
Dù trên biển mang thông tin về việc không cho phép các loại phương tiện giao thông đi trên vỉa hè, nhưng thực chất là khẳng định "quyền sở hữu" vỉa hè, và lòng đường của họ.
Trên vỉa hè thì dựng biển cấm chiếm luôn làn đường cho người khiếm thị, thậm chí, người đi bộ cũng gặp khó khăn do phải tránh những tấm biển này của họ, dưới lòng đường thì kẻ vạch vôi để giành quyền đỗ xe ô tô.
VỈa hè là nơi phục vụ việc đi lại của người dân, nhưng ở nhiều nơi các công ty, thậm chí cơ quan nhà nước thường mặc nhiên coi là của họ, để sử dụng cho mục đích riêng.
---
---