Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cải thiện hạ tầng giao thông, mở cánh cửa tiếp cận của người khuyết tật Cải thiện hạ tầng giao thông, mở cánh cửa tiếp cận của người khuyết tật
Nhóm PV   •   5:30 29/04/2023

Bị khuyết tật chân từ nhỏ, bạn Hồ Thị Thu Mai, sinh năm 1991, hiện đang trọ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Tp.HCM vẫn quyết tâm theo học Đại học với mong muốn tìm được một công việc phù hợp.

Tuy nhiên, căn bệnh ung thư buồng trứng, hoại tử khớp háng, suy gan, suy thận cùng ập đến khiến năm ngoái Mai phải thực hiện 3 cuộc phẫu thuật liên tiếp.

Chưa hết, khó khăn vẫn còn đeo bám cô gái quê ở Bình Phước vì hoại tử xương gây phá hủy và biến dạng khớp, khiến cô phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn và buộc phải chuyển sang nghề bán vé số dạo.

Bệnh tật là vậy, chỉ trừ những hôm ốm nằm bẹp, còn cứ đúng 8h sáng hàng ngày, bà con lối xóm lại nghe tiếng xe 3 bánh điện lách cách của Mai rời phòng trọ nghèo đi bán vé số với mong muốn sớm tích góp đủ số tiền 60 triệu đồng để tiếp tục làm phẫu thuật.

Mai tâm sự, công việc mưu sinh khó khăn, vất vả là thế, song áp lực hơn cả với Mai là quãng đường “đi làm” hàng ngày với những hố ga lồi lõm, mất nắp, hay những “ổ voi, ổ gà” như đường Thới Hòa, Kênh Trung Ương, xã Vĩnh Lộc A:

Khi đường xá đông, xe mình nhỏ rất sợ những xe lớn. Thứ 2 là đường gồ ghề, có khi có những đoạn đường rất xấu, nó có những hố, và sợ nhất là gặp trời mưa bởi có những cái hố voi bị nước ngập mà mình không thấy được sự lõm của nó nên sẽ bị lọt và nó sẽ bị lật. Mình rất sợ xe bị lật bởi lật là té mà té là xe đằng sau đi tới cán. Áp lực tâm lý dữ lắm nhưng lúc đó chỉ cầu trời là cho con qua được đoạn này.

Theo khảo sát của PV VOV Giao thông, hạ tầng giao thông tiếp cận tại Hà Nội và TP..HCM dù đã có nhiều cải thiện song vẫn chưa thực sự thân thiện với người khuyết tật.

Đơn cử, tuyến đường Trích Sài, Trần Bình Trọng, Phan Bội Châu, Thái Thịnh, Nguyễn Trãi, Trần Phú...(Hà Nội); vỉa hè có gờ quá cao, nhiều nơi thiếu các đường dốc dành cho xe lăn, nơi có đường dốc lại bị vướng những thanh chắn ngăn xe máy lao lên vỉa hè. Vỉa hè hầu hết chưa lắp tấm lát dẫn hướng, trong khi một số tuyến lắp không đúng so với quy định hoặc bị những vật khác cản trở.

Bạn Lương Tuấn Cường, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn chia sẻ: “Hôm đấy em có đi dọc đường Nguyễn Trãi và lúc đó cũng là đêm muộn rồi và có 1 xe máy chắn ngang đường nổi. Đi được một đoạn thì e bị tụt xuống khỏi vỉa hè và đi vào một đường rẽ nào đó mà không có chỉ báo.

Bình thường khi hết vỉa hè sẽ có một chấm tròn để báo hiệu là ở đây hết đường hoặc ở đây sẽ có một lối khác thì ở đây không. Với một người khiếm thị định hướng không tốt, thăng bằng không tốt sẽ rất dễ ngã”.

Lối đi bộ dựng rào chắn phương tiện cơ giới nhưng vô tình ngăn người khuyết tật, đường tiếp cận cho người khiếm thị đâm thẳng vào cột điện, vỉa hè không thuận tiện lên xuống cho người khuyết tật

Lối đi bộ dựng rào chắn phương tiện cơ giới nhưng vô tình ngăn người khuyết tật, đường tiếp cận cho người khiếm thị đâm thẳng vào cột điện, vỉa hè không thuận tiện lên xuống cho người khuyết tật

Việc sang đường đối với người bình thường đã khó, người khuyết tật khó khăn gấp bội phần. Nhiều nút giao thông, tín hiệu đèn dành cho người đi bộ không có chế độ âm thanh, người khiếm thị buộc phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Bạn Minh Trường, sinh viên năm 3 của trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, khi đi qua đường, đôi khi dù đã có đèn đỏ, có vạch kẻ đường nhưng phương tiện họ vẫn rẽ phải hoặc vượt đèn đỏ, nên rất khó đối với những người khiếm thị. “Sang đường an toàn hay không dựa vào may rủi là chủ yếu.” bạn Trường bày tỏ.

Ông Đinh Đăng Hải, cán bộ dự án Thành phố sống tốt của Tổ chức Health Bridge của Canada thừa nhận thực tế này: "Hoàn Kiếm đã làm rất nhiều hạ tầng dành cho người khiếm thị trên vỉa hè nhưng chưa hoàn chỉnh. Đôi khi những vạch này đi thẳng vào cột điện hoặc không dẫn vào lối sang đường. Mọi người chỉ mới đi loanh quanh trên vỉa hè. Các đường dốc, cầu bộ hành không có kết nối đường dốc lên thì họ cũng không thể sang đường".

Theo Báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải, hiện mới có khoảng 478 phương tiện xe buýt sàn thấp có hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng, chiếm 4,8% tổng số phương tiện; có 7/61 tỉnh, thành phố ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của NKT.

Hiện nay, chỉ có một lượng nhỏ xe buýt ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh là xe buýt sàn thấp và được trang bị các thiết bị hỗ trợ dẫn hướng bằng âm thanh, hình ảnh có phụ đề cho người khiếm thị và khiếm thính, chưa có xe buýt được bố trí hệ thống thang nâng.

Giao thông tiếp cận không đảm bảo, người khuyết tật sẽ gặp rủi ro cao hơn người bình thường. Từ những số liệu thống kê về số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người khuyết tật, PGS.TS.Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, trường Đại học Y tế công cộng phân tích:

"Nhiều nghiên cứu thế giới đã chỉ ra “nhóm người đi bộ và người khuyết tật có nguy cơ xảy ra va chạm giao thông cao hơn những người bình thường, dễ gặp chấn thương nặng và khả năng nhập viện, khả năng bị tàn tật cao hơn bình thường”.

Đi lại khó khăn, hiểm nguy rình rập là thế, song, lí do lớn nhất khiến cản trở người khuyết tật hòa nhập cộng đồng là thái độ kỳ thị, thờ ơ, phân biệt đối xử của một bộ phận người dân, lái xe, phụ xe bus:

“Có lần em lên nhà bạn chơi, một xe buýt không có thông báo, và khi qua điểm cần đến 3 bến thì nhân viên có nói: bạn này đến điểm rồi mà không xuống à. Trong khi trước đó thì mình có nói với họ là nhờ họ nhắc rồi nhưng họ không nhắc, hậu quả là phải xuống xe và quay đầu lại”.

“Người khuyết tật có thẻ xe bus miễn phí, khi lên cũng bị phân biệt đối xử. Có nhiều tài xế, phụ xe tỏ thái độ phân biệt đối xử đối với những người khuyết tật có thẻ xe bus miễn phí so với những người có trả phí”

“Mọi người đi trên vỉa hè rất thường xuyên và mình không làm gì được rồi. Hôm nào mình đi quên không mang gậy thì người ta nhìn mình với ánh mắt lạ lắm. Trong khi họ là người sai cơ mà”.

Người khuyết tật (NKT) gặp vô vàn khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng hay mưu sinh do cơ sở hạ tầng giao thông chưa chú trọng tới những tiện ích, công trình hỗ trợ người khuyết tật. Hiện nay, pháp luật đã có những chính sách quy định như thế nào về giao thông tiếp cận cho người khuyết tật? Quá trình thực thi ra sao?

Nhà nước đã có chủ trương và ban hành nhiều chính sách nhằm trợ giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội.

Nhà nước đã có chủ trương và ban hành nhiều chính sách nhằm trợ giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội.

Sự ra đời Luật người khuyết tật vào ngày 1/1/2011 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với cộng đồng người khuyết tật. Ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Long Biên, Hà Nội cho biết, Luật người khuyết tật đã tạo hành lang pháp lý cho người khuyết tật khi tham gia giao thông.

Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai chương trình giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật, ban hành chương trình hành động, xây dựng chính sách áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về việc xây dựng đường phố hè về, tiêu chuẩn ô tô khách, xe khách.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một số công trình công cộng vẫn còn thiếu đường tiếp cận cho NKT nặng khi di chuyển bằng phương tiện xe lăn.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, Sở đã yêu cầu các dự án giao thông phải thực hiện đúng các quy định về thiết kế xây dựng theo đúng các Tiêu chuẩn đã đề ra tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận như: các vị trí sang đường đều thực hiện hạ bó vỉa hè; vỉa hè phải sử dụng vật liệu lát vỉa hè theo đúng quy chuẩn dẫn hướng cho người khuyết tật tiếp cận.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có khoảng 311 phương tiện, trên tổng số 1817 xe có thiết kế để người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hạ tầng giao thông tiếp cận ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều tiện ích được xây dựng mang tính hình thức, chưa quan tâm thực sự đến công năng thực tế và hiệu quả chưa cao. Không gian để NKT tiếp cận đường giao thông, các công trình giao thông, hiện chưa thành một hệ thống, có nơi có nơi không.

Tương tự, các điểm dừng, nhà chờ xe bus chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn, các nhà chờ có lề đường quá cao chưa bố trí đường dốc hay các tấm lát nổi, gây khó khăn cho việc tiếp cận của NKT sử dụng xe lăn và người khiếm thị.

Dẫn chứng về điều này, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết kết quả khảo sát của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội thực hiện năm 2022, hiện mới chỉ có khoảng 15% điểm đầu của các điểm đỗ xe bus có đường tiếp cận.

Các điểm cuối xe buýt không có đường tiếp cận, hầu hết là bãi đất trống và không có hướng dẫn trợ giúp, một số điểm đường dốc quá cao, có những điểm không đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

Khung hành lang pháp lý để triển khai đầu tư các công trình có các hệ thống giao thông tiếp cận đã khá đầy đủ, các địa phương cũng đã nỗ lực.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì gặp cũng khá nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT cho biết: Thời gian dừng đỗ tại các điểm dừng đón trả khách quy định rất ngắn, không đủ để xe lăn và thiết bị nâng hạ xe có thể đưa người khuyết tật vào trong xe. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn lực đầu tư xe buýt sàn nghiêng để cho người khuyết tật có thể tiếp cận.

Rõ ràng, chính sách để xây dựng giao thông tiếp cận cho người khuyết tật đã có, song thực tế mới chỉ có một số lượng nhỏ công trình đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên nhân là bởi từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách. Dù đã có luật song một số cơ quan chức năng, người phụ trách lại không triển khai, không kiểm tra, không giám sát, không có chế tài xử phạt.

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) thẳng thắn nhìn nhận, công tác thanh tra, kiểm tra một số công trình còn hời hợt, thậm chí, nhiều nơi chỉ làm cho có:

"Chính sách hiện tại thì khá là thực tế. Bản vẽ các công trình đều được bên cơ quan phụ trách đánh giá, kiểm tra có đảm bảo theo quy chuẩn xây dựng 10/2014 của Bộ Xây dựng hay không. Tuy nhiên, khi nghiệm thu sẽ gặp vấn đề, là quá trình thi công có sự thay đổi, không đáp ứng hoàn toàn được tiêu chuẩn. Vấn đề là mình không giám sát được 100% các công trình đó".

Một số ý kiến cho rằng, khâu nghiệm thu các công trình dễ dãi, chưa giám sát đánh giá tính hiệu quả của công trình. Tư duy của người thực thi còn chưa tôn trọng quyền bình đẳng tiếp cận của NKT, chưa đánh giá đúng tiềm năng phát triển bản thân và cống hiến của họ cho xã hội, dẫn đến làm qua loa, đối phó.

Giao thông tiếp cận là hệ thống giao thông văn minh, công bằng, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi. Đây cũng là xu thế phát triển của nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Vậy cần làm gì để cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận tại Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người, về quyền người khuyết tật. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch hướng tới đảm bảo quyền sống tốt và cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả mọi người dân, đặc biệt quan tâm đến các nhóm yếu thế, trong đó có người khuyết tật.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khoảng trống và thách thức đòi hỏi các cấp, các ngành cần có sự điều chỉnh và phối hợp đồng bộ để sớm xây dựng hạ tầng giao thông văn minh, hiện đại và thân thiện với người khuyết tật.

Việt Nam luôn mong muốn đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bản thân người khuyết tật cũng khát khao được hòa nhập với cộng đồng, tìm kiếm thêm các cơ hội mưu sinh và khẳng định bản thân. Trong đó, cánh cửa đầu tiên để họ có thể thực hiện những ước mơ của mình là có thể dễ dàng tiếp cận với hạ tầng giao thông:

"Người khiếm thị bọn em thì không cần nhiều đâu, chỉ cần mỗi thứ chuẩn chỉnh đi một chút. Bản đồ chuẩn một chút, phần mềm xe buýt chuẩn đi một chút, thái độ nhân viên chuẩn đi một chút thì lúc đó người khiếm thị bọn em có thể tiếp cận với các công trình giao thông công cộng".

"Mình rất mong muốn Nhà nước cần xem xét nhiều hơn nữa về việc chế tài đối với các cơ sở, cơ quan, các công trình mà họ xây dựng để cho không chỉ NKT tiếp cận mà cho các đối tượng khác nữa".

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng phát triển hạ tầng giao thông tiếp cận mọi đối tượng, trong đó có người khuyết tật để họ tự tham gia giao thông mà không cần nhiều sự trợ giúp.

Để làm được điều này, theo TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, trước hết cần thay đổi tư duy của những người làm quản lý, quy hoạch, thiết kế hạ tầng trong thông theo hướng cần tôn trọng quyền bình đẳng tiếp cận của người khuyết tật. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan mang tính bắt buộc đối với các công trình xây dựng, trong đó có tính đên giao thông tiếp cận cho nhóm người khuyết tật. Lúc đó nhà đầu tư, địa phương phải làm theo.

Ông Minh cho biết thêm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang phối hợp với các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu theo hướng tích hợp được các nội dung về an toàn giao thông vào trong các quy hoạch, không gian đi bộ để hỗ trợ người khuyết tật tham gia giao thông.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn,Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, để người khuyết tật không bị bỏ lại sau, trước hết cần tổ chức các Hội thảo liên quan đến người khuyết tật để nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, các chuyên gia về người khuyết tật.

Để giải quyết triệt để những vấn đề bất cập hiện nay của hạ tầng giao thông tiếp cận, ông Tuấn nêu ý kiến: "Phải có khảo sát đánh giá số lượng NKT ở thành phố, vùng nông thôn để xác định nhu cầu đi lại hàng ngày và khảo sát chính NKT để xem họ đi lại gặp thuận lợi khó khăn gì để có sự đánh giá của người sử dụng trước, sau đó soi lại hạ tầng hiện nay có đáp ứng được nhu cầu cơ bản.

Trên cơ sở đó đề xuất các chiến lược tổng thể, các giải pháp cần ưu tiện, đặc biệt là các giải pháp hạ tầng và đưa vào trong các quy định, nghiên cứu khả thi, tiền khả thi".

Ông Đinh Đăng Hải, cán bộ dự án Thành phố sống tốt của tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam cho rằng, để tránh tình trạng các công trình hạ tầng giao thông tiếp cận mang tính hình thức, không sử dụng được, bắt buộc các nhà quy hoạch, thiết kế phải tuân thủ các quy chuẩn. Trong khâu quy hoạch, thiết kế và xây dựng cần sự tham gia, đóng góp ý kiến của chính các đối tượng thụ hưởng là những người khuyết tật .

Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng của công tác giám sát thực thi đối với việc quản lý đầu tư xây dựng công trình đảm bảo giao thông tiếp cận đặc biệt quan trọng. Từ kinh nghiệm thực tế quá trình tư vấn, giám sát và kêu gọi nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông tiếp cận tại một số địa phương, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) nhấn mạnh vai trò của hoạt động giám sát.

Nếu địa phương xây dựng được cơ chế giám sát với sự tham gia của Hội người khuyết tật, thực hiện giám sát thi công ngay từ những khâu đầu sẽ tăng cường hiệu quả giám sát. Ngoài ra, cũng cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với những trường hợp không tuân thủ, ông Cử cho biết thêm.

Nhìn thẳng vào thực tế hạ tầng giao thông đối với ngừoi khuyết tật hiện nay, KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds cho rằng, rất cần một cái thái độ nghiêm túc, thực thi quy chuẩn hoặc những Thông tư hướng dẫn để hỗ trợ cho người khuyết tật. Ngoài ra, cũng cần những sáng kiến cấp cộng đồng, cấp phường rồi từ cấp quận.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá về hệ thống giao thông tiếp cận. Thông qua Bộ tiêu chí này, các địa phương sẽ biết mình đang ở đâu trong bảng xếp hạng về hệ thống giao thông tiếp cận, nắm được những bất cập trong khâu chính sách, hạ tầng hoặc phương tiện để từ đó có những định hướng đầu tư nguồn lực cải thiện lỗ hổng hiện có. Hiện nay, Viện Chiến lược và Chính sách phát triển GTVT đang là đơn vị được Bộ GTVT giao xây dựng Bộ Tiêu chí này.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT đề xuất cần sớm ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá về hạ tầng giao thông tiếp cận để các địa phương chủ động đo lường và đầu tư định hướng đối với hệ thống hạ tầng, phương tiện. Bộ tiêu chí này cũng đang nằm trong Kế hoạch xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT.

“Chúng tôi rất mong Bộ tiêu chí cũng đóng góp cho cộng đồng các địa phương trong việc tăng cường hệ thống giao thông tiếp cận và hướng tới một hệ thống giao thông không rào cản”, ông Chung kỳ vọng.

Một số chuyên gia đề xuất, cần đẩy mạnh ứng dụng chia sẻ thông tin, dữ liệu và công nghệ số ví dụ như các bản đồ số, bản đồ âm thanh và các ứng dụng điện thoại giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận các thông tin về các chính sách pháp luật ưu tiên cho người khuyết tật, các thông tin về điểm, tuyến xe bus…

Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền, lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã đưa ra, từ chủ trương đến chính sách và đi vào cuộc sống, cần đồng bộ và đảm bảo nhất quán, để chính sách được thực thi hiệu quả và để người dân được thụ hưởng, nhất là nhóm yếu thế như người khuyết tật.