Đừng để tăng lương trở nên vô nghĩa

Từ 01/7, lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương đương 30%) cho tất cả cán bộ, công chức. Điều này khiến nhiều người dân phấn khởi vì thu nhập được nâng cao, song cũng không ít người lo lắng giá cả nguyên - nhiên liệu, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ hàng ngày sẽ tăng theo.

Làm nghề giáo viên hơn 20 năm, thầy Đinh Thành Công vui mừng trước thông tin lương tăng, thế nhưng kéo theo đó là nỗi lo bởi những lần điều chỉnh trước đây mức lương vẫn không đủ để bù đắp cho việc tăng giá:

"Tăng lương rất là vui mừng nhưng mà cũng lo khi tình hình vật giá những mặt hàng thiết yếu sẽ tăng lên thì nó cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến cán bộ công chức".

Nhiều người dân phấn khởi sau khi tăng lương, tuy nhiên cũng không khỏi lo lắng về việc giá cả hàng hóa sẽ tăng theo

Nỗi lo này còn lớn hơn đối với những đối tượng không được tăng lương. Anh Huỳnh Thái Sang hiện đang hành nghề xe ôm công nghệ cho biết, vì là lao động tự do nên mức lương cơ sở có tăng hay không cũng không ảnh hưởng đến thu nhập.

Nhưng theo kinh nghiệm của anh những năm trước, lương cơ sở tăng là kéo theo giá cả sẽ tăng mạnh. Vì vậy mà cuộc sống của anh và gia đình cũng chật vật hơn: "Thu nhập thì không có tăng, nhưng mà giá tăng thì người lao động chúng tôi phải chịu ảnh hưởng rất nhiều, nhiều khi chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày của mình cũng không đủ".

Qua khảo sát giá cả các mặt hàng tại chợ truyền thống cũng không có sự biến động quá nhiều so với trước

Trước thực tế trên, TP.HCM đã liên tục thực hiện các chương trình nhằm bình ổn giá thị trường. Tại nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố cam kết không để giá cả biến động sau khi tăng lương, ông Đinh Quang Khôi – Giám đốc Marketing Mega Market Việt Nam cho biết:

"Từ ngày 01/7 lương cơ sở tăng, tuy nhiên chúng tôi sẽ không để tăng theo lương cơ sở, bởi vậy hiện nay chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh bình ổn giá thị trường theo TP.HCM. Chúng tôi không thể nào làm 1 giá riêng cho TP.HCM và một giá riêng cho Hà Nội. Chúng tôi mong muốn điều này sẽ được nhân rộng ra để tất cả các khách hàng tận hưởng được chương trình bình ổn giá tốt nhất".

Có thể thấy việc tăng lương có thể góp phần vào việc tăng cường sức mua, từ đó thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát và điều tiết một cách hợp lý, việc tăng lương cũng có thể dẫn đến lạm phát, khiến cho giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng lên.

Sở ngành thành phố tăng cường kiểm tra, không để giá cả hàng hóa “tát nước theo mưa”

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho rằng, sau khi điều chỉnh mức lương sẽ góp phần tăng trưởng xã hội đặc biệt đối với ngành thương mại dịch vụ trong thời gian tới.

"Một lần nữa khẳng định, kể từ ngày 1 tháng 7 tăng lương nhưng Sài Gòn Co-op không để các doanh nghiệp té nước theo mưa tăng giá. Việc tăng lương sẽ là cơ hội tăng trưởng cho xã hội đặc biệt ngành thương mại dịch vụ. Chính điều đó chúng ta mới xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững và thúc đẩy nền kinh tế sẽ phát triển hơn", ông Thắng cho biết. 

Về phía sở ngành thành phố, ông Nguyễn Minh Hùng – Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở công thương TP.HCM) lý giải về việc trước đây, mỗi lần tăng lương hoặc những dịp lễ, Tết... thường xảy ra các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý bởi các hệ thống phân phối còn mỏng và nguồn hàng không ổn định.

Tuy nhiên, đến nay, Thành phố đang triển khai chương trình bình ổn thị trường theo nguyên tắc đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

"Đến nay người dân có thể hoàn toàn yên tâm. Thành phố đang triển khai chương trình bình ổn giá thị trường theo nguyên tắc đảm bảo nguồn cung đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát thị trường xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường một cách bền vững", ông Nguyễn Minh Hùng cho biết.

Rõ ràng, việc tăng lương cần được đi kèm với các biện pháp kiểm soát lạm phát, đảm bảo rằng giá cả các mặt hàng không “tát nước theo mưa”. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của việc tăng lương là phải thực sự mang lại lợi ích cho người lao động và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ, thay vì chỉ là sự thay đổi con số trên giấy tờ.