Đó là lý do khiến các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn sự đa dạng sinh học tại các đô thị, thành phố lớn ngày càng quan trọng và cần nhận được sự quyết tâm, chung tay hành động của mọi người.
Không ít người dân đô thị cho rằng bảo vệ động vật hoang dã là công việc vốn được thực hiện ở các khu vực rừng núi hoặc nông thôn, nơi sinh sống của nhiều loài động vật. Đây là một trong những rào cản khiến công tác bảo vệ động vật hoang dã tại đô thị chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tế, có không ít loài động vật hoang dã sống xen kẽ ở thành thị và phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gay gắt như môi trường sống, nguồn thức ăn bị ô nhiễm, bị thu hẹp…
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển đánh giá: "Thực tế cuộc sống đô thị hóa làm cho con người ngày càng tách rời ra khỏi tự nhiên, đặc biệt là trẻ em bị xa rời với tự nhiên, không cảm nhận và hiểu được vẻ đẹp của tự nhiên dù là những kiến thức rất cơ bản, nên việc bảo vệ động vật hoang dã ở thành phố cần được thúc đấy và quan tâm hơn nữa".
Không gian đô thị không chỉ thiếu các mảng xanh, mà còn thiếu rất nhiều những loài động vật tự nhiên sinh sống trong các mảng xanh đó. Việc phục hồi sự đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại thành phố còn phù hợp với mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đang hướng tới, nhằm tạo ra những thành phố đáng sống và bền vững.
Tuy nhiên, các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại thành phố cần phải được tập trung thực hiện với những giải pháp và đặc thù riêng.
Ông Nguyễn Hoàng Hào, chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tàng tài nguyên rừng VN cho biết: "Một trong cái quan trọng nhất của bảo vệ động vật hoang dã ở thành phố là giảm thiểu các nguồn tiêu thụ thức ăn về động vật hoang dã vì chúng ta thấy ở ngoài chợ hiện nay có rất nhiều chợ còn bán động vật hoang dã công khai luôn như chim, cầy, một số loài thú nhỏ hoặc trong menu của các nhà hàng, kể cả trong y dược cũng thế.
Cũng có những người không biết mà vi phạm, đối tượng này khá nhiều, vì khâu quảng bá, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của chúng ta còn yếu. Hay các vụ án, sự việc liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, báo, đài còn đưa lên ít quá nên giảm tính răn đe của việc đó".
Bên cạnh các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại thành phố rất cần tới sự chung tay, tham gia của chính các cư dân đô thị, với những gợi ý thiết thực mà
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ từ nhiều mô hình đã thành công trên thế giới: "Ví dụ như nhiều nước thành công trong việc thúc đẩy người thành phố tham gia vào việc hỗ trợ thiên nhiên phục hồi như đóng góp công góp của. như thúc đẩy các chương trình tình nguyện vào cuối tuần, tham gia dọn dẹp, trồng cây, , tạo ra các khu vực làm tổ trú ngụ cho động vật.
Thúc đẩy người thành phố góp tiền vào mua 1 số loại thức ăn và tổ nhân tạo buộc trên cây, tạo ra điểm cho thức ăn, …., vừa tạo ra niềm vui và có tính giáo dục rất cao trong việc lan tỏa tình yêu và trân trọng các giá trị của tự nhiên".
Các thành phố lớn là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động truyền thông, thay đổi nhận thức được thực hiện thường xuyên là một trong những lợi thế để thúc đẩy hoạt động bảo vệ động vật hoang dã đạt hiệu quả khi được quan tâm đúng mức.