Độc đáo làng nghề trăm tuổi chuyên làm tăm hương

Quảng Phú Cầu, thuộc huyện Ứng Hòa, Tp. Hà Nội - một trong những làng nghề thủ công truyền thống chuyên sản xuất tăm hương phục vụ cho các cơ sở sản xuất hương (nhang) trong cả nước và xuất khẩu...

Đến thăm làng Quảng Phú Cầu vào những ngày này, tuy không phải là mùa bận rộn nhất trong năm nhưng lại là mùa thuận lợi nhất cho công việc rất đặc thù ở ngôi làng có nghề thủ công truyền thống cả trăm năm nay - nghề sản xuất tăm hương. Bởi vào mùa này nhiều nắng, giúp cho việc phơi nguyên liệu và thành phẩm nhanh hơn.

Tuy làng nghề có tuổi đời cả trăm năm, nhưng chỉ được biết đến nhiều trong giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây, sau khi những người con của làng quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, đưa máy móc vào phục vụ công việc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...

Từ đó không chỉ xuất khẩu mặt hàng chân hương cho các tỉnh thành phố trong cả nước, mà còn vươn xa hơn tới các thị trường nước ngoài như Ấn Độ, Thái Lan, Indonexia, Trung Quốc...

Anh Mạnh - chủ một cơ sở sản xuất tăm hương trong làng cho biết, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất cả chục tấn hàng. Cơ sở của anh có hơn chục nhân công làm việc luôn tay, thu nhập trung bình anh trả cho công nhân khoảng 5-7 triệu đồng/1 tháng
Nhiều năm nay, cơ sở của nhà anh Mạnh áp dụng máy móc vào nhiều công đoạn sản xuất. Những năm trước đây, nguyên liệu sản xuất tăm hương thường là tre, vầu... tuy nhiên hiện nay chủ yếu nhập cật giang về làm nguyên liệu sản xuất
Quảng Phú Cầu có khoảng 3.000 hộ và hầu hết đều làm nghề sản xuất tăm hương, tuy nhiên, chỉ có chưa đầy 100 hộ trong làng là đầu tư máy móc vào các công đoạn sản xuất
Lao động tại các cơ sở sản xuất chủ yếu là nữ - tìm kiếm nguồn lao động phục vụ tại các cơ sở sản xuất tăm hương hiện nay ở Quảng Phú Cầu cũng đang là bài toán hóc búa. Bởi nhìn chung công việc này không quá nặng nhọc nhưng lại độc hại và "nhàm chán" với cánh mày râu... Những thanh niên nam giới trẻ tuổi trong làng hiện nay hầu hết không chọn làm nghề truyền thống này nữa... Rất nhiều người trong số họ xin vào làm tại các khu công nghiệp trên địa bàn, cho thu nhập cao hơn
Sau khi cật giang được đưa vào máy chuốt thành những que tăm nhỏ, được bó thành từng bó rồi phươi khô, nhuộm màu
Loại bỏ những tăm không đạt chất lượng
Nếu tính trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quảng Phú Cầu là làng nghề duy nhất làm tăm hương
---
Vất vả nhất là vào vụ áp tết, khi nhu cầu của thị trường lên cao, những người lao động ở đây phải làm việc ngày đêm không nghỉ để kịp giao hàng cho khách
---

 

Tăm hương sau khi được lựa chọn cẩn thận, bó thành từng bó và phơi khô
Sau đó đem đi nhuộm màu, màu tăm hương nhuộm theo nhu cầu của khách hàng, từ đỏ, hồng, tím, vàng...
Vào ngày nắng, khắp đường làng, ngõ xóm những bó tăm hương giống như những bông hoa nở xòe nhìn rất đẹp mắt
---
Tuy nhiên, 1 trong những vấn đề tồn tại ở làng nghề này hiện nay là ô nhiễm môi trường do sử dụng hóa chất để nhuộm tăm hương, bên cạnh đó là ô nhiễm bụi nguyên liệu trong quá trình sản xuất... khắp đường làng, ngõ xóm ở đây luôn trong tình trạng ô nhiễm khá nặng nề
Với lũ trẻ, việc tìm được khoảng thời gian trong ngày khi môi trường không có bụi để vui chơi khá khó khăn. Đây là bài toán cần phải giải đối với chính quyền địa phương, hội làng nghề, các cơ sở sản xuất... nếu muốn nghề tồn tại lâu dài và không ảnh hưởng tới sức khỏe của chính họ, của các thế hệ tương lai tại địa phương
---
---
---
Ông bà Ngân - Hiên, 1 hộ trong làng hiện nay vẫn theo lối sản xuất thủ công... Ông Hiên cho biết, ông bà hiện nay nhận chẻ nguyên liệu thuê cho các cơ sở sản xuất. Mỗi ngày, 2 ông bà chẻ được khoảng 4 tạ nguyên liệu, thu nhập khoảng 80 ngàn đồng. Tuy không nhiều, nhưng cũng đủ cho chi tiêu, sinh hoạt hằng tháng của 2 vợ chồng già...