Đỉnh triều cường cao lịch sử, ĐBSCL ngập trong biển nước

Dù nắm được quy luật, nhưng đỉnh triều cường vượt mức dự báo với diễn tiến khó lường đã khiến các tỉnh thành ĐBSCL ngập trong biển nước, các địa phương phải triển khai cấp bách các giải pháp ứng phó.

Chiều qua (30/9), triều cường tiếp tục dâng cao gây ngập sâu tại nhiều tỉnh thành ĐBSCL. Đã hơn 2 ngày trôi qua, từ 29-30/9 (nhằm ngày mùng 1 và 2/9 âm lịch), cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn, người dân các địa phương lại mệt mỏi khi “biển nước” bủa vây khắp nơi, nhất là tại các tuyến đường trọng điểm.

Suốt hai ngày qua, cuộc sống người dân các tỉnh thành ĐBSCL bị xáo trộn hoàn toàn

Tại Long An và Tiền Giang, mưa lớn kết hợp triều cường đã khiến nhiều tuyến đường ngập nước nặng nề hơn những ngày qua. Nhiều thính giả đã liên tục phản ánh tình trạng giao thông diễn biến phức tạp trên tuyến cao tốc Trung Lương – TP HCM vì xảy ra tai nạn.

Thính giả Tuân Nguyễn tại Long An tương tác trực tiếp trên kênh fanpage của Mekong FM cho hay các tuyến đường trung tâm thành phố Tân An, tỉnh Long An vốn đã được nâng cấp, cải tạo song vẫn không tránh khỏi tình trạng ngập nước. Kể cả tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ vòng xoay nghĩa trang liệt sĩ Tỉnh đến cầu Tân An 1 cũng tương tự.

Tại Vĩnh Long, địa phương có triều cường đạt đỉnh trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Theo đó, bên cạnh các tuyến đường trọng điểm ngập sâu như: đường Hoàng Thái Hiếu, Hưng Đạo Vương, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, đường Lò Rèn (phường 4), hay Phạm Thái Bường... thì tại khu vực đường Trưng Nữ Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long), người dân đã “chôn chân” vì kẹt xe kéo dài. Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời điều tiết, phân luồng giao thông nên một lúc sau xe giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông thuận lợi hơn. 

Xe ùn ứ trên đường Trưng Nữ Vương sáng 30/9. Ảnh Nguyễn Hoàng

Tại An Giang và Bạc Liêu, ảnh hưởng của triều cường dâng cao ngày một rõ nét. Cụ thể, những tuyến đường như Phạm Cự Lương (phường Mỹ Quý), Ung Văn Khiêm, Hà Hoàng Hổ (phường Đông Xuyên), đường Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Hòa) và Quốc lộ 91 (đoạn từ đèn Bốn Ngọn đến đoạn giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Chân, dài hơn 3 km) đều bị nước ngập gần 50 cm. Trong đó, giao lộ Trần Hưng Đạo với đường Pham Cự Lượng (thuộc phường Mỹ Quý) bị triều cường nặng nhất, nước ngập sâu hơn 50 cm.

Cùng thời gian trên, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đã có hơn 30 điểm ở các tuyến đường thuộc địa bàn 5/7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh ngập úng hàng trăm mét;  hàng loạt tuyến đường ở nội ô thành phố Bạc Liêu, thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), nội ô thị xã Giá Rai và nhiều chợ, trường học ở vùng trũng thấp ngập cục bộ. Người dân và nhất là các em nhỏ mệt nhoài bì bõm trong nước để đi lại.

Triều cường gây ngập sâu nhiều tuyến đường ở nội ô

Theo ghi nhận, lượng lực chuyên trách các địa phương đã phát đi cảnh báo người dân cần lưu ý chọn lộ trình thích hợp, tránh đi qua các điểm cầu có lộ giới hẹp, mặt đường thấp dễ dẫn đến tình trạng các phương tiện chết máy như những ngày qua, như cầu Phú Hoà – Thoại Sơn ở An Giang, cầu Rạch Múc thuộc Vĩnh Long; cầu Hưng Lợi; cầu vượt Big C tại thành phố Cần Thơ……

Đáng nói, tại vùng đất Tây đô, “đến hẹn lại lên”, nhiều tuyến đường gần như biến mất bởi có nơi nước ngập quá nửa bánh xe. Có thể kể đến các đường như Mậu Thân, Nguyễn Văn Linh, 30/4, Lý Tự Trọng, Trần Văn Hoài, hồ Xáng Thổi, Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 91... Để hỗ trợ người dân, tại các ngã tư, CSGT Công an quận Ninh Kiều và TP Cần Thơ lội nước, “còng lưng” đẩy các phương tiện vượt qua điểm ngập, nước chảy xiết, đưa các phương tiện bị chết máy vào nơi an toàn.

Lực lượng chuyên ngành tích cực hỗ trợ người dân vượt các điểm ngập sâu

Ngay trong chiều 30/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ có thông báo đến các đơn vị trực thuộc về việc cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường đầu tháng 9 Âm lịch đạt đỉnh tại Cần Thơ. Cụ thể, các học sinh được nghỉ học 1 ngày (1/10/2019) và sớm được bố trí học bù vào thời điểm thích hợp, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ lưu ý các phụ huynh, thông báo trên không phải bắt buộc mà tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương, các trường sẽ chủ động xem xét có cho học sinh nghỉ học hay không.