Đèn đỏ được rẽ phải, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật nào?

Trong khi nhiều chuyên gia đề xuất, nên cho phép phương tiện rẽ phải liên tục khi gặp đèn đỏ, thì Sở GTVT Hà Nội khẳng định, đơn vị này đang rà soát để mở thêm lối rẽ phải tại các nút giao đèn tín hiệu và chỉ những nút giao đủ điều kiện về hạ tầng mới cho phép phương tiện rẽ phải.

Vậy, việc tổ chức giao thông theo hướng đèn đỏ được phép rẽ phải đang quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào? Để phương tiện được rẽ phải liên tục khi gặp đèn đỏ, cần điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật như thế nào?

PV VOV Giao thông đối thoại với Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Hà Nội) xung quanh nội dung này.

Dù làn rẽ phải tại nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt khá rộng, song người tham gia giao thông vẫn phải dừng chờ đèn tín hiệu, khiến dòng xe ùn ứ kéo dài

PV: Thưa ông, việc tổ chức giao thông theo hướng đèn đỏ được phép rẽ phải đang quy định tại đâu? Nếu tại luật thì có thể ban hành văn bản gì dưới luật để áp dụng được ngay?

Luật sư Phạm Thành Tài: Theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và khoản 4.1, Điều 4 Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia thì người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ được rẽ phải trong các trường hợp cụ thể như sau: Thứ nhất là khi đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Thứ hai là khi đèn tín hiệu hình mũi tên chuyển hướng bên phải chuyển màu xanh; thứ ba là khi có biển báo phụ cho phép rẽ phải; thứ tư là vạch mắt võng kèm mũi tên rẽ phải; thứ năm là có tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

Những quy định này hiện nay là căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng tổ chức giao thông theo hướng là đèn đỏ được phép rẽ phải. Các quy định này có thể áp dụng được ngay và hiện trên thực tế đã có nhiều nút giao thông được tổ chức theo hướng đèn đỏ được rẽ phải theo các hình thức như nêu trên.

PV: Nếu thực hiện việc cho phương tiện rẽ phải liên tục, hoặc điều chỉnh phương án tổ chức giao thông theo hướng có làn rẽ phải, quy trình văn bản như thế nào, bên nào chủ trì xây dựng, bên nào xem xét thẩm duyệt ban hành?

Luật sư Phạm Thành Tài: Hiện nay vấn đề tổ chức giao thông thuộc thẩm quyền của Sở GTVT các tỉnh, thành phố, trong đó trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ sẽ chịu trách nhiệm rà soát và đề xuất danh mục các nút giao và phương án bổ sung biển báo phụ, đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ hoặc mở làn cho phép rẽ phải dựa trên lưu lượng xe và đặc thù giao thông của từng khu vực.

Tiêu chí đảm bảo cho phép là đảm bảo an toàn giao thông và khu vực có phát sinh dòng xe chờ đèn kéo dài tại các nút giao, khu vực ít người đi bộ lưu thông, trong đó cơ quan chức năng vẫn cần lưu ý ưu tiên an toàn cho người đi bộ lên hàng đầu.

Một số nút giao được phép rẽ phải khi đèn đỏ. (Ảnh: Minh Hiếu)

PV: Để thực hiện được những quy trình đó, phải mất bao lâu? Nhất là trong bối cảnh tình trạng ùn tắc đang diễn ra khá nghiêm trọng?

Luật sư Phạm Thành Tài: Việc cho phương tiện rẽ phải liên tục hoặc điều chỉnh phương án tổ chức giao thông theo hướng có làn rẽ phải là cần thiết và phù hợp để giải tỏa các dòng xe, nhất là thời điểm cuối năm và đầu năm mới với nhiều lễ hội được tổ chức thì nhu cầu đi lại, mua sắm, giải trí tăng cao, thì việc triển khai các giải pháp này càng trở nên cấp bách.

Việc triển khai các giải pháp này nhanh hay chậm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thực trạng về cơ sở hạ tầng của từng địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng cũng cần đánh giá kỹ lưỡng và có biện pháp tránh xung đột dòng xe rẽ phải và người đi bộ, gây mất an toàn.

Đồng thời việc lắp đèn cho người rẽ phải khi đèn đỏ cần được các cơ quan, đơn vị liên quan như Sở GTVT, Công an họp bàn và khảo sát cụ thể, chứ không phải điểm nào cũng lắp đèn, biển báo hoặc tổ chức làn đường rẽ phải. Việc này rất có thể sẽ gây ra những tác dụng phụ, tạo ra các hệ lụy khác cần phải giải quyết, và dễ thấy nhất là nguy cơ tai nạn cho người đi bộ.

Đối với những nơi đã lắp, đã tổ chức làn đường rẽ phải, các đơn vị liên quan vẫn cần theo dõi để đánh giá xem thực sự có cần thiết và có sự chuyển biến tốt hay không, từ đó mới quyết định mở rộng thêm các nút giao, hoặc cũng có thể thu gọn, nếu như việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ không có tác dụng. Việc thực hiện cũng cần có quy trình, để đảm bảo được hiệu quả tốt nhất. Do vậy, trong thời gian này, người dân cần tuân thủ đúng quy định, nhằm nâng cao trật tự an toàn giao thông chung.

PV: Xin cảm ơn ông