Đề xuất rút BHXH một lần chỉ được nhận 8%: Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Theo dự thảo đề cương sửa Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra, người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay.

Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Tuy nhiên, khi được đưa ra, đề xuất này ngay lập tức vấp phải những ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ phía những người lao động.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 

PV: Thưa ông, với đề xuất rút BHXH một lần chỉ được 8%, quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Ông Vũ Minh Tiến: Nếu như căn cứ vào các con số tỷ lệ mà người lao động dự kiến được hưởng thì rõ ràng là cái quy định này đã làm giảm đáng kể so với thời điểm hiện tại. Tôi rất chia sẻ và hiểu được mong muốn và tâm nguyện của những người làm luật, đặc biệt là của những người hoạch định chính hoạch, mọi người rất lo lắng và quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội rất lâu dài của người lao động, chứ không chỉ là vấn đề về giải quyết khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, tôi đã tranh thủ chia sẻ và hỏi rất nhiều những người lao động cũng như là cán bộ công đoàn thì người ta cũng chia sẻ ngược lại mấy cái băn khoăn. Những người rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì người ta cũng hiểu được vấn đề nhưng vì khó khăn trước mắt như cần trả nợ, chữa bệnh cho con cái, bố mẹ hay muốn mở một cửa hàng nhỏ để kinh doanh mà phải rút.

Và người ta cũng đề nghị rằng, khi cân đối tính toán việc này thì phải tính cả vấn đề kinh tế, vấn đề về an sinh xã hội dài và cũng rất là phải để ý tới cái mong muốn nguyện vọng thiết thực của đại đa số những người lâm vào tình hình khó khăn, thậm chí một số người túng quẫn, người ta cần một số khoản tiền thực trước mắt để giải quyết vấn đề.

Ảnh nh họa - Báo Lao động

PV: Theo khảo sát của Viện Chính sách Công và Quản lý, độ tuổi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Vậy, theo ông, làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

Ông Vũ Minh Tiến: Công tác truyền thông phải là số 1, cần phải để cho mọi người trước khi rút thì sẽ biết rõ được mặt hạn chế của vấn đề. Nhưng bản chất của vấn đề, chúng ta không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp việc này, chủ yếu liên quan đến kinh tế thôi, và việc thay đổi tỷ lệ được rút, đấy là một biện pháp kinh tế.

Thứ hai là có thể giãn thời gian được rút. Ví dụ hiện nay là sau khi 12 tháng chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động mới được rút BHXH 1 lần chứ không phải rút ngay. Cái cốt lõi nhất của vấn đề đó là khi người ta đang đi làm thì làm sao phải có điều kiện là người ta có những khoản tích lũy nhất định. Nếu như khi người ta mất việc làm thì người ta sẽ không nghĩ tới cái khoản bảo hiểm một lần mà người ta sẽ có khoản tích lũy khoản tiết kiệm.

Vì vậy, phải nghĩ đến việc tăng lương và tăng thu nhập và tích lũy cho người lao động và tất nhiên là phải lao động một cách năng suất. Chất lượng thu nhập cao gắn với năng suất và phải chi tiêu hợp lý..

Cái thứ ba nữa, có lẽ chúng ta cũng phải tính tới các khoản hỗ trợ cho người lao động vay tài chính, mang tính là tín chấp, để kéo dài, bảo lưu thời gian đóng BHXH thêm 1, 2 năm. Trong 1 hay 2 năm đó, biết đâu, người lao động là người làm được việc, ký được hợp đồng lao động và có thể giữ được BHXH và có cơ hội đóng tiếp.

PV: Xin cảm ơn ông!